Chuyển đến nội dung chính

 

Thực hành tín ngưỡng tôn giáo lành mạnh, đúng pháp luật

Thời gian qua, tại nhiều địa phương trên cả nước xuất hiện những đối tượng lạ tìm cách tiếp cận người dân để tuyên truyền, dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào hoạt động của các tổ chức bất hợp pháp núp bóng tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó nổi lên gần đây là hội nhóm xưng danh “Pháp luân công”. Từ đây làm phát sinh những bất ổn, gây mất trật tự an ninh xã hội, khiến dư luận bức xúc
Các vật phẩm tuyên truyền trái pháp luật về Pháp luân công bị lực lượng chức năng thu giữ.
Các vật phẩm tuyên truyền trái pháp luật về Pháp luân công bị lực lượng chức năng thu giữ.

Tìm mọi cách thâm nhập vào các khu dân cư, tụ điểm sinh hoạt công cộng, phát tán tài liệu tuyên truyền không rõ nguồn gốc xuất xứ, thường xuyên đăng tải trên mạng xã hội những nội dung có tính chất thần thánh hóa tổ chức của mình,... là chiêu bài phổ biến của cái gọi là “Pháp luân công” đang thực hiện tại Việt Nam.

Đáng chú ý, các đối tượng thường tìm kiếm những người mắc bệnh tật hiểm nghèo, cuộc sống gặp khó khăn để “chiêu mộ” thành viên, với lời hứa hẹn nếu tham gia tổ chức sẽ được giải thoát khỏi khổ đau, bệnh tật.

Mới đây, vào tháng 5/2024, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, cơ quan chức năng đã phát hiện một số đối tượng tiến hành phát tán các xuất bản phẩm có nội dung tuyên truyền về Pháp luân công tại các khu vực như cổng trường học, bệnh viện, khu dân cư… Nhóm đối tượng này còn len lỏi đến các xã, huyện vùng cao của tỉnh để tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia.

Trước tình hình đó chính quyền địa phương đã ra thông báo đến các ngành, đoàn thể; các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn và người dân cần đề cao cảnh giác trước các thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ của nhóm đối tượng này.

Điều đáng lo ngại là tình trạng phức tạp nêu trên cũng đang xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố, đe dọa gây ra những hậu quả khó lường. Trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Đồng Tháp đã gửi kiến nghị tới Bộ Nội vụ đề xuất cơ quan này cần có quy định xử lý đối với những người tham gia các hoạt động tập luyện Pháp luân công, hiện đang diễn biến phức tạp, tác động xấu tới tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ở nhiều địa phương.

Trả lời ý kiến của cử tri, Bộ Nội vụ cho biết, trước những sự việc có tính phức tạp của Pháp luân công, Bộ Nội vụ cùng các bộ, ngành liên quan đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, các bộ, ngành, chính quyền địa phương đã triển khai, phối hợp, hướng dẫn, chỉ đạo công tác ngăn chặn, không để Pháp luân công hình thành tổ chức trái pháp luật, xử lý có hiệu quả một số vụ việc phức tạp do một số nhóm người tập Pháp luân công gây ra.

Tuy nhiên báo cáo của Bộ Nội vụ cũng cho biết, công tác phối hợp ở một số địa phương hiện nay chưa chặt chẽ, có lúc, có nơi nhận thức chưa rõ ràng, chưa thống nhất về quan điểm, xử lý những vụ việc phức tạp thiếu kiên quyết, đồng bộ dẫn đến hiệu quả chưa cao, nhất là đấu tranh với các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các đối tượng lợi dụng Pháp luân công.

Theo Bộ Nội vụ, Pháp luân công không hội tụ đủ điều kiện là tôn giáo, bản thân những người luyện tập Pháp luân công cũng không nhận tổ chức của mình là tôn giáo và chưa bao giờ đề cập đến việc đề nghị công nhận về tổ chức.

Thực hành tín ngưỡng tôn giáo lành mạnh, đúng pháp luật ảnh 1

Xử lý đối tượng tuyên truyền Pháp luân công trái phép giữa mùa dịch

Sự vào cuộc kịp thời, kiên quyết của cơ quan chức năng đã được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên với bản chất đen tối, các thế lực thù địch đã lập tức lợi dụng sự việc trên để xuyên tạc Việt Nam vi phạm quyền con người, cản trở tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Một sự thật hiển nhiên đã bị các đối tượng cố tình lờ đi là việc cơ quan chức năng chỉ rõ Pháp luân công không phải tín ngưỡng, tôn giáo, và cũng không được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

Thông tin đăng tải trên cổng thông tin điện tử Bộ Công an cho biết Pháp luân công có tên gọi khác là Pháp luân đại pháp do Lý Hồng Chí (sinh năm 1952 tại Cát Lâm, Trung Quốc) lập ra năm 1992; sau đó Lý Hồng Chí đã sang Mỹ định cư.

Dù không có nhà thờ hoặc nơi thờ tự, không có giáo lý riêng nhưng suốt nhiều năm qua, trong cách thức tuyên truyền, hoạt động, Pháp luân công vẫn tự cho mình là một hệ phái Phật giáo.

Thực hiện tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng, những người điều hành Pháp luân công tận dụng tối đa hình thức kết nối trực tuyến, thông qua các trang thông tin điện tử để điều phối hoạt động, đăng đàn thuyết giảng và tuyển mộ thành viên.

Đồng thời Pháp luân công cũng ra sức tuyên truyền các bài tập vốn là sự pha tạp từ các bài khí công đã được nhà sư Phật giáo, võ sĩ Đạo giáo và học giả Nho giáo luyện tập từ xa xưa; thần thánh hóa rằng đây là một phương pháp hiệu quả giúp cải thiện tinh thần, đạo đức và thể chất, giúp phòng tránh mọi loại tai ương, tật bệnh.

Vào khoảng những năm 2000, Pháp luân công du nhập vào Việt Nam. Dù không được công nhận là tổ chức hợp pháp, song bằng nhiều cách thức chiêu nạp, đến nay Pháp luân công tại Việt Nam ước tính có hơn 7.000 người tham gia, luyện tập tại 565 điểm nhóm.

Thời gian đầu, thành viên của Pháp luân công chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, đến nay có chiều hướng mở rộng đến các vùng miền xa xôi, hẻo lánh, tiềm ẩn những nguy cơ khó lường.

Để giúp người dân dễ nhận diện về Pháp luân công, có thể thấy nổi lên những đặc điểm đáng chú ý như sau: Thứ nhất, các tài liệu, bài thuyết giảng của Pháp luân công là sự chắp nhặt, vay mượn từ các tôn giáo khác để hình thành nên. Bên cạnh đó, Pháp luân công hoạt động dưới vỏ bọc “khí công rèn luyện sức khỏe”, cũng như lợi dụng các yếu tố tôn giáo, tâm linh để chiêu mộ, lôi kéo thành viên.

Do lầm tưởng đây là một môn tu tập của Phật giáo nên nhiều người đã tin theo, thậm chí bỏ bê nhà cửa, gia đình, trở thành đệ tử đắc lực của tổ chức này, tích cực quảng bá, lôi kéo người khác cùng tham gia, gây hệ lụy tiêu cực cho xã hội.

Thứ hai, Pháp luân công có biểu hiệu tuyên truyền mê tín dị đoan, phản khoa học, phản văn hóa. Nhằm lôi kéo mọi người, những người điều hành Pháp luân công ra sức tuyên truyền về cái gọi là “ngày tận thế”, theo đó mỗi người đều phải gánh chịu những sự trừng phạt.

Đồng thời, các đối tượng ra sức thêu dệt Lý Hồng Chí như là đấng cứu thế, là người tạo ra thế giới muôn loài và cứu giúp chúng sinh, do đó ai đi theo Pháp luân công của Lý Hồng Chí sẽ được bảo vệ. Pháp luân công kêu gọi mọi người đăng ký luyện tập càng đông sẽ càng nhanh tạo ra “công lực” cho bản thân.

Mê muội tin theo tà thuyết này, không ít người dù đang mắc bệnh tật hiểm nghèo nhưng không chịu đi điều trị tại các cơ sở y tế mà chỉ luyện tập Pháp luân công khiến cho bệnh tình ngày càng nặng thêm, thậm chí có trường hợp đã tử vong.

Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số thành viên của Pháp luân công đã ra sức quảng bá rằng “Nhờ niệm 9 chữ chân ngôn” của Pháp luân công, không cần tốn một viên thuốc vẫn có thể chữa khỏi Covid-19. Việc lan truyền những thông tin phản khoa học như vậy đã làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 của toàn xã hội, khiến dịch bệnh không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, tính mạng nhiều người bị đe dọa.

Không chỉ tự khiến mình bị thiệt thân, có người vì mê muội Pháp luân công đã biến mình thành tội phạm. Như sự việc xảy ra năm 2019 tại Bình Dương, đối tượng Phạm Thị Thiên Hà cầm đầu một nhóm tu luyện Pháp luân công do luyện tập đến mức bị ảo giác nên đã nhẫn tâm giết chết hai đồng môn rồi cho vào bồn nhựa đổ bê-tông hòng phi tang, gây chấn động dư luận.

Thứ ba, hoạt động Pháp luân công đe dọa trật tự an toàn xã hội, xuất hiện những biểu hiện mang màu sắc chính trị. Trong vòng hơn 20 năm kể từ khi du nhập vào Việt Nam đến nay, dù không được cấp phép nhưng Pháp luân công không ngừng mở rộng địa bàn, phát huy tầm ảnh hưởng, phô trương thanh thế, mục tiêu hướng đến là từng bước đòi chính quyền công nhận tư cách pháp nhân, công khai hóa hoạt động.

Một sự việc xảy ra vào tháng 1/2014 liên quan đến tổ chức này vẫn được nhiều người nhắc đến. Khi đó, một nhóm học viên Pháp luân công đến trước lăng Hồ Chí Minh, chăng biểu ngữ có nội dung xúc phạm Lãnh tụ, xuyên tạc vai trò của Đảng Cộng sản khiến đông đảo người dân vô cùng phẫn nộ. Ba tuần sau, vào ngày thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam, một nhóm học viên Pháp luân công đã có hành vi xâm hại tượng đài Lê-nin tại vườn hoa Lê-nin nhưng đã bị cơ quan chức năng phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Thời gian qua, Pháp luân công được các thế lực thù địch ra sức lợi dụng nhằm chống phá Việt Nam. Việc cơ quan chức năng thực hiện việc quản lý đối với Pháp luân công theo đúng các quy định của pháp luật lập tức bị các đối tượng chống phá, phản động lợi dụng để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền. Từ đây các đối tượng không ngừng cổ súy sự lớn mạnh của các tổ chức bất hợp pháp như Pháp luân công để từng bước hình thành nên những tổ chức chính trị đối lập, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước, chống phá chế độ. Tại Trung Quốc, phong trào Pháp luân công từng bị chính quyền nước này coi là “mối đe dọa nghiêm trọng nhất cho xã hội trong nửa thế kỷ nay”.

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo điều kiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không cho phép các tổ chức bất hợp pháp núp bóng tín ngưỡng, tôn giáo tuyên truyền đức tin phản khoa học, phản văn hóa, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, gây tâm lý bức xúc, hoang mang trong quần chúng nhân dân.

Trước những diễn biến phức tạp liên quan đến Pháp luân công nói riêng và hoạt động của các hội nhóm chưa được cấp phép tại Việt Nam nói chung đòi hỏi công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên cả nước thời gian tới cần tiếp tục được chú trọng, tăng cường sự phối hợp hiệu quả, chặt chẽ hơn nữa giữa các địa phương, bộ, ban, ngành liên quan, qua đó định hướng và tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy và đảng viên, vận động quần chúng nhân dân không tham gia các hội nhóm bất hợp pháp núp bóng tín ngưỡng, tôn giáo; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng tà đạo để tuyên truyền xuyên tạc gây mất trật tự an ninh xã hội, chống phá chế độ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

  Truy tố hai nguyên Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa cùng 5 đồng phạm Ngày 27/2, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Khánh Hòa cho biết, đã có cáo trạng truy tố hai nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Cùng bị truy tố về tội danh này còn có 5 bị can khác là nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Công Thiên, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Mông Điệp, Võ Tấn Thái; nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dẽ và nguyên Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (QLDĐ) Trần Văn Hùng. Hành vi vi phạm của 7 bị can nêu trên xảy ra tại dự án khu du lịch sinh thái tâm linh (STTL) Cửu Long Sơn Tự và dự án biệt thự sông núi (BTSN) Vĩnh Trung trên núi Chín Khúc nằm ở phía Tây TP Nha Trang liên quan đến việc giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ), cấp giấy chứng nhận quyền (CNQSDĐ). Từ sai phạm tại dự án Cửu Long Sơn Tự Theo...
  Vạch trần bản chất 3 “khôi nguyên” nhận cái gọi là giải thưởng nhân quyền Đến hẹn lại lên, ngày 18/11/2024, tổ chức “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam - VHRN” ở Mỹ đã công bố cái gọi là “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam năm 2024” để “vinh danh” các đối tượng Đỗ Nam Trung, Bùi Văn Thuận, Đặng Đăng Phước đang chấp hành án phạt tù về các tội tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam. Đây là chiêu trò quen thuộc hằng năm của VHRN nhằm tuyên truyền, xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.  Bản chất của cái gọi là “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam” Tổ chức “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” (tiếng Anh: Vietnam Human Rights Network – VHRN)  là một tổ chức tự xung ở Mỹ được lập ra với mục tiêu gia tăng các hoạt động dân chủ, nhân quyền trên thế giới, khoác dưới cái mũ “để thúc đẩy tiến trình cải tiến dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam”. Hằng năm, VHRN đưa ra bản “Báo cáo nhân quyền Việt Nam” với nội dung tuyên truyền, xuyên tạc về tình hình nhân quyền cũng như can thiệp vào công việc n...
  Việt Nam tích cực tham gia cuộc chiến toàn cầu chống nạn buôn người Nạn buôn người đang trở thành một trong những vấn nạn nghiêm trọng, có ảnh hưởng toàn cầu, khi tình trạng đói nghèo, xung đột kéo dài và biến đổi khí hậu khiến hàng triệu người rơi vào cảnh dễ bị lợi dụng. Những đối tượng yếu thế này trở thành “con mồi” của các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia. Mới đây, Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) đã đưa ra một báo cáo toàn cầu về nạn buôn người, nhấn mạnh rằng để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam - một quốc gia đang đóng góp tích cực trong cuộc chiến này. Thực trạng đáng báo động Báo cáo của UNODC năm 2024 chỉ ra rằng, trong năm 2022, hơn 69.600 người đã trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người trên toàn cầu, tăng 43% so với năm 2020, thời điểm đại dịch COVID-19 khiến số lượng các vụ án giảm đáng kể. Sự gia tăng này không chỉ phản ánh sự hồi sinh của tội phạm buôn người sau đạ...