Luôn trăn trở để giữ gìn sự trong sáng của Đảng
Trong cuộc đời, tôi rất may mắn đã có nhiều cuộc gặp gỡ, trò chuyện với Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng. Lần gặp nào, đồng chí cũng để lại trong lòng tôi ấn tượng và sự khâm phục về đức tính khiêm nhường, giản dị, cần, kiệm, liêm, chính với trái tim rực cháy ngọn lửa cách mạng. Về điều này, tôi muốn bày tỏ những nội dung sau:
Suốt cả cuộc đời, đến lúc lâm chung, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đau đáu với công tác xây dựng Đảng, giữ gìn Đảng như giữ gìn “con ngươi của mắt mình”. Tổng Bí thư nhận thấy, công tác xây dựng Đảng còn không ít hạn chế, khuyết điểm. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, giảng dạy và học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước.
Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ... Chính vì vậy, trong Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30-10-2016, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành đã đề ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với nhiều giải pháp cơ bản. Đây chính là kim chỉ nam trong công tác xây dựng Đảng từ cơ sở đến Trung ương, góp phần quan trọng giữ gìn sự trong sáng của Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt chú trọng đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực-một trong những nguy cơ đặc biệt ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân, đến sự tồn, vong của chế độ. Trong các bài viết và các buổi nói chuyện, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định: Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là việc làm cần thiết, tất yếu và thực tế đã trở thành xu thế không thể đảo ngược. Bởi lẽ, tham nhũng, tiêu cực đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra cách nhận diện rõ hơn, sâu hơn về phạm vi của tham nhũng, tiêu cực; phân tích, chỉ ra mối quan hệ giữa tham nhũng và tiêu cực. So với “tham nhũng” thì “tiêu cực” có nghĩa rộng hơn. Tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực của người có chức, có quyền. Tiêu cực là môi trường nảy sinh tham nhũng.
Tuy không được là một trong những “chiến sĩ” tham gia trực tiếp ở chiến tuyến phòng, chống tham nhũng và tiêu cực nhưng tôi luôn bày tỏ lòng tin và dõi theo từng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Và từ sự chỉ đạo của Tổng Bí thư mà công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược", được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta.
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là đòi hỏi của thực tiễn, mệnh lệnh của cuộc sống. Bởi khi phải xử lý kỷ luật nghiêm khắc những người tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư cũng luôn trăn trở, đau xót vì rằng họ từng là đồng chí, từng là cá nhân gương mẫu, được tín nhiệm bầu vào hàng ngũ của Đảng, thậm chí nhiều người đã là cán bộ cấp cao. Nhưng nếu không kiên quyết xử lý thì ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ nên đó là việc phải làm, vì sự nghiệp chung.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kế thừa xuất sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây. Mục đích của việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là để “trị bệnh, cứu người”, kỷ luật một người để cứu nhiều người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực. Cần có chính sách khoan hồng đối với những người có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, khắc phục hậu quả trước khi bị phát giác, tạo môi trường xã hội tích cực nhằm ngăn chặn tham nhũng.
Trong thực tế, thời gian qua, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được tiến hành kiên quyết, kiên trì, không khoan nhượng, không nương tay, không bỏ lọt tội phạm; đồng thời không làm oan sai; rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn, nhân ái, có lý, có tình. Nhờ vậy, hầu hết đối tượng bị xử lý đều nhận thức rõ sai phạm của mình cũng như hậu quả của những sai phạm ấy; tâm phục khẩu phục, tỏ rõ sự ăn năn, hối cải, xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Ánh sáng trái tim vì Đảng, vì Tổ quốc, vì nhân dân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần soi rọi hệ thống chuẩn mực đạo đức trong toàn Đảng, để mỗi tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên thấy điều cao quý nhất là danh dự nhằm thoát khỏi những mê hoặc, cám dỗ vật chất, vị kỷ trong cuộc sống; từng bước tự soi, tự sửa trở thành những người chiến sĩ cách mạng: Trung với Đảng, hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có tinh thần quốc tế trong sáng để xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, hòa bình, hạnh phúc.
Thượng tướng, Tiến sĩ, Viện sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân NGUYỄN HUY HIỆU, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
Nhận xét
Đăng nhận xét