Chuyển đến nội dung chính

 

Lòng dân và miệng thế

Trong công cuộc chống tham nhũng, biết bao quan chức dính chàm, việc xử lý hành chính hay hình sự vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, vừa có ý nghĩa răn đe, phòng ngừa. Ở một góc độ khác chính là sự cảnh tỉnh từ dư luận, khi dân đã “cạn lòng” với những quan chức suy thoái, phạm pháp thì miệng thế đâu còn điều hay. Mỗi người một vẻ nhưng nếu quan sát dư luận sẽ thấy có người để lại sự hẫng hụt, nuối tiếc nhưng có người khi “ngã ngựa” lại nhận được sự hả hê, phấn chấn...

“Vết chàm” mà quan chức dính phải thì mỗi người mỗi vẻ bởi họ đảm đương các vị trí khác nhau và liên quan các vụ việc cũng khác nhau. Cũng có người liên quan trong bối cảnh cả tập thể đó vi phạm, như nhiều kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ rõ những Đảng ủy, Ban Thường vụ tỉnh này, bộ kia vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, để xảy ra nhiều sai phạm, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng. Có vụ người dân đàm luận nhiều, chỉ trích nhiều vì tác hại mà các quan tham gây ra, trong đó có những vụ việc kéo dài, âm ỉ qua nhiều thời kỳ khiến bức xúc dồn nén, như cái nhọt lâu ngày tích tụ. Chỉ đến khi ung nhọt đó bị vỡ, lộ ra các sai phạm mang tính hệ thống gắn với từng quan chức cụ thể thì sự “khui phá” đó tất được người dân hưởng ứng, phấn chấn. Bức xúc lâu ngày nay được giải tỏa bởi những quyết định đủ nghiêm minh, vừa kết luận rõ trắng đen, vừa “trảm quan tham” thì thật dễ hiểu sự vui lòng, hả dạ của người dân như thế nào. Trạng thái đó dễ dàng nhận thấy và dễ dàng biểu đạt không chỉ trên mạng internet mà trong dư luận xã hội, miệng thế gian của người đời. 

Tại Hội nghị Trung ương 9 (Khóa XIII), căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; thực hiện quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định: Thi hành kỷ luật ông Lê Thanh Hải (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh) bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng; thi hành kỷ luật ông Dương Văn Thái (Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang) và ông Mai Tiến Dũng (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng. 

Lòng dân và miệng thế -0
Khu đô thị Thủ Thiêm từng gây bức xúc, khiếu kiện suốt thời gian dài.

Trong 3 trường hợp bị kỷ luật nêu trên thì ông Lê Thanh Hải khiến dư luận bàn tán nhiều vì trước đây ông từng bị kỷ luật, liên quan trách nhiệm trong vụ Thủ Thiêm. Lần này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đánh giá: Ông Lê Thanh Hải đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm tại Đảng bộ, chính quyền thành phố, gây hậu quả rất nghiêm trọng, nguy cơ thiệt hại, thất thoát, lãng phí rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước; để xảy ra nhiều vụ án hình sự, trong đó có vụ án rất nghiêm trọng, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị kỷ luật, xử lý hình sự, gây dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền thành phố.

Liên quan vấn đề này, trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong kỳ họp thứ 41 đã kết luận: Ban cán sự đảng UBND TP Hồ Chí Minh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND thành phố và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất, tài chính, tài sản, đầu tư, quy hoạch, xây dựng ở các dự án do Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ở các gói thầu, dự án do Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng chỉ rõ trách nhiệm cá nhân của ông Lê Thanh Hải trong vấn đề này.

Như vậy, ông Lê Thanh Hải bị kỷ luật lần 2 này được xác định rõ trách nhiệm liên quan vụ đại án Vạn Thịnh Phát. Tuy nhiên, những gì người dân chỉ trích về ông đã gắn với vụ Thủ Thiêm suốt hàng chục năm qua. Trong 15 năm làm Chủ tịch UBND rồi Bí thư Thành ủy (2001-2015), ông Lê Thanh Hải có hàng loạt chỉ đạo làm khu đô thị mới Thủ Thiêm “biến dạng”. Từ khu đô thị được kỳ vọng hiện đại ở Đông Nam Á đã trở thành khu đô thị méo mó, gây khiếu kiện hết sức phức tạp và gây bức xúc kéo dài trong nhân dân.

Đầu năm 2020, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định ông Lê Thanh Hải và nhiều cán bộ chủ chốt của Ban thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015, Ban cán sự đảng UBND TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2011-2016 có sai phạm trong quá trình thực hiện dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thanh tra Chính phủ cũng đã 2 lần kết luận, chỉ ra hàng loạt sai phạm của UBND TP Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan. Tại kết luận 1483 ban hành ngày 4/9/2018, Thanh tra Chính phủ xác định có 51 dự án nhà ở, văn phòng, khu vui chơi giải trí, công trình công cộng (với tổng diện tích khoảng 144,6 ha) trên đất tái định cư.

Chủ trương này của thành phố còn có nhiều vi phạm như: giao đất không qua đấu giá, giao đất không đúng với giấy phép kinh doanh; không đúng thẩm quyền; không có quy hoạch chi tiết 1/2000 được duyệt; chưa ký hợp đồng thuê đất vẫn cho phép sử dụng. Chưa kể, các dự án này khi triển khai đã lấn sông, xây dựng công trình sai quy hoạch, vượt số tầng, tính toán tiền sử dụng đất sai... Thanh tra Chính phủ cho rằng, các sai phạm này đã phá vỡ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng phê duyệt; thể hiện sự buông lỏng quản lý, sử dụng đất. Đây là nguyên nhân khiến cuộc sống nhiều người dân bị ảnh hưởng, khiếu kiện kéo dài, việc xây dựng khu đô thị Thủ Thiêm bị đình trệ.

Tại cuộc họp ngày 20/3/2020, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy: Ông Lê Thanh Hải trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ và Thường trực Thành ủy nhiệm kỳ 2010-2015 đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cá nhân ông đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của Thành ủy, trực tiếp kết luận về nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền của Ban thường vụ Thành ủy.

Với cương vị là Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND thành phố, ông Lê Thanh Hải chịu trách nhiệm chính về các vi phạm của UBND thành phố; trực tiếp ký một số văn bản không đúng với chủ trương của HĐND và quy định của Luật Ngân sách năm 2002, Luật Xây dựng năm 2003. Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm và quá trình công tác, cống hiến, đóng góp của ông đối với TP Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị quyết định kỷ luật ông Lê Thanh Hải bằng hình thức cách chức Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015.

Từ đó đến nay, mỗi khi nhắc đến “củi lửa” ở địa bàn, người dân lại thể hiện trạng thái nghe ngóng, dõi theo và cả những câu hỏi đặt ra đối với ông Lê Thanh Hải. Trên mạng xã hội, biết bao bình luận thể hiện sự bức xúc, ca thán, cho thấy vụ việc ở Thủ Thiêm không chỉ gây hậu quả với người dân trong vùng. Sự liên lụy của nó kéo dài, ở phạm vi rộng và bởi lẽ đó, miệng thế người đời chỉ trích, ca thán, cả sự ai oán không hề bó hẹp trong phạm vi thành phố mà cả với nhiều người vốn chưa đến Thủ Thiêm lần nào. Xem như thế thì hệ quả đâu chỉ dừng lại ở quyết định kỷ luật của cơ quan chức năng mà còn là “kỷ luật” của người đời, của thế gian còn âm ỉ và mạnh mẽ khó có giới hạn. 

Ở góc độ khác nhưng cũng gây dư luận đàm tiếu thời gian dài là bà Hoàng Thị Thúy Lan, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc. “Quan nữ” đứng đầu một tỉnh giờ không hiếm nhưng “tì vết” đi kèm bà Lan thì cũng gây nhiều sự chú ý. Có những chuyện đã rõ ràng, được kết luận bởi các cơ quan chức năng song cũng có những đàm tiếu trong dư luận, chỉ biết “có khói” nhưng không rõ thực hư có lửa hay không, đến mức nào. Nhưng, việc làm quan chức đầu tỉnh mà để lại nhiều điều tiếng tiêu cực không chỉ ở tỉnh nhà mà rộng cả nhiều phương thì thiết nghĩ, lòng dân đâu còn thuận, đâu còn tin mà lên rao giảng triết lý, đạo đức? 

Và rồi, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan về tội “Nhận hối lộ” quy định tại khoản 4, Điều 354, Bộ luật Hình sự do xác định bà có liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn và Công ty cổ phần Đầu tư thương mại & bất động sản Thăng Long. Đến lúc này, những dư luận về người đàn bà vốn là “quan tỉnh” này lại càng có dịp bung nở, cả những điều có cơ sở lẫn điều thất thiệt. Bà Hoàng Thị Thúy Lan có hành trình thăng tiến từ một giáo viên cấp 2, thông qua các hoạt động của đoàn thanh niên, hội phụ nữ rồi vươn lên thành Bí thư Tỉnh ủy hai nhiệm kỳ ở Vĩnh Phúc. Dư luận về bà mấy năm trước đã rộ lên sau chuyện con gái 31 tuổi của bà được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (sau đó bị thu hồi quyết định).

Rõ là, khi “tai mắt của nhân dân” đã bức xúc, bất bình về những điều sai trái của cán bộ lãnh đạo, nhất là tại chính địa phương đó thì việc họ bày tỏ sự phấn chấn, hả hê khi cán bộ đó bị xử lý, bị “trảm” cũng là điều dễ hiểu.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

  Đừng tát nước theo mưa Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, trong đó có việc ủng hộ tiền, vật chất cho đồng bào bị lũ lụt. Vì thế, việc Ủy ban Trung ương   MTTQ Việt Nam (MTTQ) đăng công khai 12.028 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 với tổng số tiền 527,7 tỷ đồng, tính đến 17h ngày 12/9 được dư luận đánh giá rất cao; cho đây là hành động công khai, minh bạch, kịp thời truyền tải được tình cảm của người dân Việt Nam với đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Về phía MTTQ Việt Nam, thông qua sự kiện, đơn vị cũng kỳ vọng các tổ chức cá nhân khác tiếp nhận ủng hộ …, cũng làm tương tự, công khai kết quả tiếp nhận, sao kê. Thế nhưng, sau khi bản sao kê được đăng tải công khai, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều luồng thông tin trái chiều. Một số người bức xúc phát hiện dấu hiệu nghi vấn gian dối khi đối chiếu thông tin công khai trước đó của một số nghệ sĩ nổi tiếng, tổ chức, doanh nghiệ...
  Lực lượng Công an đấu tranh hiệu quả với tội phạm có tổ chức; tội phạm tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp Việc tăng cường Công an xã chính quy và lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở góp phần giáo dục, quản lý chặt chẽ hơn nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội cao, đối tượng có liên quan đến ma tuý; chủ động phát hiện, giải quyết sớm các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ đầu và tại cơ sở Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 37, sáng 13/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao năm 2024. Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an dự, báo cáo công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm và vi phạm pháp luật Trình bày báo cáo thẩm tra các báo cáo trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, v...
  Nhận diện mưu đồ chống phá đất nước núp bóng “công đoàn độc lập” Những năm gần đây, để thực hiện mưu đồ đen tối, các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu ra sức gia tăng hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước ta trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi lên là vấn đề liên quan đến dân chủ, nhân quyền và người lao động. Lợi dụng quy định của pháp luật cho phép thành lập tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, những đối tượng cơ hội chính trị dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn lôi kéo, kích động công nhân và người lao động tăng cường các hoạt động bất hợp tác với người sử dụng lao động, đòi thành lập cái gọi là “công đoàn độc lập” nhằm mưu đồ hình thành tổ chức chính trị đối lập để chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất an ninh xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Thủ đoạn ráo riết của các thế lực thù địch thực hiện thời gian qua là ra sức tuyên truyền tô vẽ để đề cao các tổ chức xưng danh “công đoàn độc lập Việt Nam để bảo vệ...