Dùng dao gây tội ác - phải ngăn chặn!
Cụ thể, dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao thuộc danh mục vũ khí thô sơ do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành.
Ám ảnh những vụ sử dụng dao gây án
Hẳn người dân ở Từ Sơn, Bắc Ninh sẽ không bao giờ quên được vụ án mạng kinh hoàng xảy ra trên địa bàn do đối tượng sử dụng dao nhọn gây ra. Đó là vào chiều tối 4/12/2023, đối tượng gây án là Huỳnh Ngọc Thiện (sinh năm 2004, quê tại thôn Ia Mua, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), sinh viên trường Công nghệ IT, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thiện quen chị N.N.A ở thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, qua mạng xã hội, do nghi ngờ chị N.N.A có người khác nên không yêu mình nữa, Thiện đến Từ Sơn và hẹn gặp chị N.N.A tại chùa Đông Lai để nói chuyện. Sợ Thiện gây chuyện, chị N.N.A đã rủ thêm 5 người bạn đến gặp Thiện.
Tuy nhiên, do rắp tâm từ trước nên Thiện đã mang theo dao và khi thấy chị NNA, Thiện đã dùng dao đâm chị N.N.A, chị N.N.C.A và anh Đ.M.K Sau đó, Thiện dùng dao tự đâm vào ngực, cắt cổ tay. Hậu quả, chị N.N.A và chị N.N.C.A tử vong, anh Đ.M.K và Thiện bị thương, được đưa đi cấp cứu.
Vụ án xảy ra ở Gia Lai với 18 thanh, thiếu niên phải vào tù về tội giết người cũng vì mang dao, rựa, kiếm đi giải quyết mâu thuẫn khiến mọi người căm phẫn vì hành vi coi thường pháp luật của nhóm đối tượng này. Xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân trên mạng xã hội của hai nhóm thanh niên do Huỳnh Phi Hoàng và Nguyễn Quốc Tuấn cầm đầu xảy ra vào đêm 13/2/2023 gây chấn động dư luận tại thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa, Gia Lai. Hậu quả, 18 đối tượng trong nhóm của Huỳnh Phi Hoàng phạm tội "Giết người", một số đối tượng phạm thêm tội "Cố ý làm hư hỏng tài sản". Nhóm của Nguyễn Quốc Tuấn bị xử lý hành vi gây rối trật tự công cộng. Mới đây nhất, ngày 12/5, tại Hà Nội, Công an quận Hà Đông và Phòng Cảnh sát hình sự đã bắt giữ, xử lý gần 30 đối tượng có hành vi gây rối trật tự công cộng.
Không thể kể hết những vụ sử dụng dao gây án, bởi theo số liệu của Bộ Công an, qua tổng kết 5 năm thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 cho thấy, trong tổng số 28.715 vụ đối tượng sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng... thì có đến 25.378 vụ (chiếm 88,4%) đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án. Riêng đối tượng sử dụng các loại dao gây án là 16.841/25.378 vụ (chiếm 66,4%). Nhiều vụ đối tượng sử dụng dao nhọn, sắc có tính sát thương rất cao (dao bầu, dao phay, dao quắm...) giết người với tính chất rất manh động, tàn ác, dã man, gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
Vì sao cần bổ sung dao vào danh mục vũ khí thô sơ?
Tại diễn đàn Quốc hội, khi góp ý vào Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), nội dung bổ sung dao có tính sát thương cao vào danh mục vũ khí thô sơ được nhiều đại biểu quan tâm, bày tỏ đồng tình. Đại biểu Nguyễn Văn Thuận (đoàn Cần Thơ) đề cập đến việc dự thảo luật bổ sung "dao có tính sát thương" vào nhóm vũ khí thô sơ (điểm b, Khoản 4, Điều 3) và cho rằng, bổ sung quy định này là phù hợp. Lý do là hiện nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại dao có tính sát thương cao, nguy hiểm như vũ khí quân dụng (dao bầu, dao mèo, dao phay...) do các doanh nghiệp, người dân sản xuất, kinh doanh, mua bán chưa được các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ. Bên cạnh đó, một người có thể dễ dàng mua hoặc tự chế các loại dao có tính sát thương cao để sử dụng, gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, gây mất an ninh, trật tự.
"Trong 5 năm qua, trên cả nước phát hiện 16.000 vụ việc, bắt giữ trên 26.000 đối tượng có sử dụng dao các loại và công cụ, phương tiện tương tự dao để thực hiện các hành vi giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng... Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ xử lý hình sự được khi có đủ căn cứ kết luận đối tượng phạm về các tội danh khác, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép dao, công cụ, phương tiện tương tự dao vì Luật hiện hành chưa quy định dao, phương tiện tương tự dao là vũ khí” - đại biểu Nguyễn Văn Thuận nêu và cho rằng luật cần quy định dao có tính sát thương cao mới là vũ khí thô sơ, khi đối tượng tàng trữ, sử dụng với ý thức chủ quan, động cơ, mục đích gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người và trái pháp luật thì mới được xác định là vũ khí quân dụng.
Cũng đồng tình quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) cho rằng, như vậy vừa quản lý được, vừa bảo đảm khi có vụ việc thì thuận lợi trong công tác xử lý, đồng thời cho rằng, chỉ bổ sung quy định “dao có tính sát thương cao” vào danh mục vũ khí thì chưa bao quát hết các loại công cụ tương tự (chông, mìn, bẫy...) có nguy cơ gây sát thương, sẽ trở thành vũ khí nguy hiểm khi sử dụng trái mục đích; đồng thời quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ, vũ khí quân dụng sẽ không thống nhất với một số quy định của pháp luật hiện hành quy định về vũ khí. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu quy định bảo đảm phù hợp, đồng bộ, thống nhất.
Góp phần xử lý tệ gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích
Một vấn đề khiến người dân vô cùng lo lắng, hoang mang đó là tình trạng thanh, thiếu niên mang theo dao, tuýp sắt gắn dao, rựa... rồi lạng lách, đánh võng trên đường, đâm chém lẫn nhau, thậm chí đâm chém người đi đường nếu làm chúng “ngứa mắt”. Tình trạng này không chỉ gây mất an ninh, trật tự ở địa phương mà còn gây ra nhiều hệ lụy thương tâm.
Ông Nguyễn Tiến Hoàng ở phường Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội cho biết, gia đình ông ở làng Đa Sỹ chuyên làm dao, kéo gia truyền. “Mấy năm nay, có nhiều cháu thanh, thiếu niên đến đặt các loại dao dài, dao bầu hoặc thuê hàn dao bầu vào các tuýp sắt để đi đánh nhau. Những việc này gia đình tôi từ chối hết, không thể tiếp tay cho việc vi phạm pháp luật được. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cửa hàng bán dao, hàn dao cho chúng. Tôi đề nghị nhà nước xử lý cả những người hàn dao vào tuýp sắt hoặc bán dao cho nhóm đông thanh thiếu niên. Không cần phải hiểu biết pháp luật, chỉ cần nhìn cũng biết các đối tượng này mua dao, thuê hàn nối vào tuýp sắt dùng vào mục đích gì. Vì vậy, những người tiếp tay cũng phải bị xử lý, không thể vì đồng tiền mà làm ảnh hưởng tính mạng người khác, gây mất an ninh, trật tự” - ông Hoàng nêu.
Ông Lê Văn Mai ở phường Đáp Cầu, TP Bắc Ninh cho biết, gia đình ông sống ở trục đường chính nên rất sợ các thanh thiếu niên mang dao, kiếm, tuýp sắt đi đánh nhau, kéo lê trên đường. Ông cho biết: “Buổi tối chúng tôi không dám ra đường nhưng sợ nhất là con cháu mình đi làm, đi chơi về, không may gặp các đối tượng trên, chỉ cần nhìn đểu hay thậm chí không tránh kịp cũng có thể bị chúng hành hung ngay. Công an đã bắt giữ nhiều nhưng cứ ít hôm lại có một nhóm khác. Chúng tôi mong Nhà nước xử lý hình sự các đối tượng mang theo dao, kiếm ra đường, kể cả chúng chưa vi phạm gì thì mới ngăn chặn được tình trạng trên”.
Là Giám đốc Công an TP Hà Nội, thường xuyên chỉ đạo xử lý các vụ mang theo hung khí gây mất trật tự, Trung tướng Nguyễn Hải Trung dẫn chứng cho biết, ngay ở Hà Nội cũng có nhiều ví dụ điển hình cho thấy sự vướng mắc của quy định hiện hành và cần phải sửa luật, bổ sung quy định dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí để xử lý. “Cứ vào ngày cuối tuần, ngày lễ, các đối tượng thanh niên, nhiều cháu mới 15-16 tuổi rú ga, nẹt pô mang theo dao, kiếm, dao phóng lợn, kéo lê trên đường. Việc này rất khó xử lý, cùng lắm xử tội gây rối trật tự công cộng nhưng với điều kiện là phải xử phạt vi phạm hành chính rồi. Nếu chúng ta bổ sung như dự thảo luật lần này thì sẽ xử lý được tội khác với các đối tượng ở độ tuổi đó” - Trung tướng Nguyễn Hải Trung phân tích và cho rằng, việc bổ sung dao vào danh mục quản lý sẽ có tác dụng răn đe, phòng ngừa rất lớn.
Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nêu thực tế, trong xã hội hiện nay có một bộ phận thanh thiếu niên hình thành thành những băng nhóm và sở hữu, sử dụng vũ khí có khả năng gây sát thương cao để đâm chém nhau. Nêu lên hiện tượng tiêu cực, nhức nhối này trong xã hội, đại biểu cũng nêu thực tế, do khoảng trống pháp lý trong xử lý hành vi sử dụng trái phép những loại vũ khí nguy hiểm này nên khi bắt giữ những đối tượng sở hữu những loại vũ khí nguy hiểm thì cơ quan chức năng chỉ có thể xử lý bằng biện pháp hành chính. Những đối tượng này có thể tiếp tục tái phạm và ngay cả khi bị bắt giữ thì pháp luật hiện hành cũng không có hình thức xử lý nào cao hơn để bảo đảm tính răn đe.
“Nếu không xây dựng và thực hiện pháp luật tốt nhất để ngăn chặn, phòng ngừa thì hằng ngày, hằng giờ trên đất nước ta có thể xảy ra những trường hợp đau lòng, sẽ còn những nạn nhân phải hứng chịu hậu quả từ hành vi của những nhóm đối tượng này”. Lưu ý điều này, đại biểu Nguyễn Minh Đức cũng nhấn mạnh, cần tính toán để các quy định trong dự thảo luật bảo đảm bao quát các loại vũ khí mới phát sinh hoặc có thể phát sinh trong tương lai.
Theo Bộ Công an, hiện nay, tình trạng đối tượng là thanh, thiếu niên thành lập các băng, nhóm, tự hoán cải các loại dao sắc, nhọn, hàn thêm tuýp sắt dài từ 1 đến 2m để giải quyết mâu thuẫn, thanh toán lẫn nhau, đe dọa người dân, gây bức xúc dư luận xã hội. Do đó, cần phải đưa dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ.
Việc quy định dao có tính sát thương cao trong dự thảo luật được phân định rõ: Dao có tính sát thương cao khi sử dụng với mục đích trái pháp luật là vũ khí thô sơ. Dao có tính sát thương cao khi được trang bị cho lực lượng vũ trang và các lực lượng khác để thi hành công vụ hoặc sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng. Dao có tính sát thương cao sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét