Chuyển đến nội dung chính

 

Không ai có thể xuyên tạc tinh thần quốc tế cao cả của Quân đội ta

Một trong những phẩm chất cao quý làm nên nhân cách tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam trong gần tám thập niên qua là cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta đã không ngại gian khổ, hy sinh, sẵn sàng lên đường làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, đóng góp vào cuộc sống hòa bình của nhân loại. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến sai trái, lạc lõng nhằm phủ nhận tinh thần nghĩa vụ quốc tế cao cả của Quân đội ta.

Ý kiến sai trái tự phơi bày âm mưu đen tối

Đêm 12-2-2023, Đoàn cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam gồm 76 cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đã đến Thổ Nhĩ Kỳ làm nhiệm vụ hỗ trợ nước bạn khắc phục hậu quả thảm họa động đất. Việc tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục thảm họa động đất thể hiện chính sách đối ngoại ưu việt, trách nhiệm cao cả của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam trước cộng đồng quốc tế. Việc làm này cũng khẳng định uy tín, vị thế, tinh thần trách nhiệm và năng lực tác chiến trong thời bình của Quân đội ta trước các vấn đề an ninh phi truyền thống và góp phần thực hiện chính sách đối ngoại quốc phòng vì hòa bình của Việt Nam.

Tuy nhiên, những người thiếu thiện chí, có quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước và Quân đội ta lại không nghĩ như thế. Họ cho rằng, “tham gia cứu hộ, cứu nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ là việc làm không cần thiết”, “là ôm rơm nặng bụng”. Thậm chí có người còn cho rằng, việc làm đó của Quân đội ta là “khôn chợ, dại nhà”, “việc nhà thì lười nhác, việc chú bác thì siêng năng” (!). Ác ý hơn có người còn cho rằng, “đất nước còn nghèo, nhân dân còn đói khổ, tại sao quân đội lại đem tiền của ra nước ngoài mà không dùng nó để cứu giúp đồng bào ta”, lại “lăng xăng đi cứu người” (!)...

Những luận điệu nêu trên là sai trái, hết sức vô cảm, cần phải lên án, bác bỏ. Nó không những tạo ra tâm lý nghi ngờ, bất an, sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm đối với một bộ phận người dân, nhất là một số thân nhân, gia đình có quân nhân nhận nhiệm vụ đến Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cứu hộ, cứu nạn, mà còn bôi đen hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ; xuyên tạc bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta; làm phai mờ hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.  

Không ai có thể xuyên tạc tinh thần quốc tế cao cả của Quân đội ta
Bộ đội công binh dùng máy dò để tìm kiếm vị trí nghi có nạn nhân tại tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Tỏa sáng tinh thần nghĩa vụ quốc tế cao cả của Quân đội ta

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến Chính phủ và người dân của hai quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và Syria về những thiệt hại vô cùng to lớn do thảm họa động đất gây ra, làm hàng chục nghìn người thiệt mạng.

Thấu hiểu, sẻ chia về những tổn thất, đau thương, mất mát to lớn ấy, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định cử đoàn công tác của Quân đội nhân dân Việt Nam sang tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ, giúp bạn tìm kiếm các nạn nhân xấu số và cứu chữa những nạn nhân còn sống, đưa họ về trạng thái an toàn; tiếp tục giúp giải quyết, khắc phục hậu quả thảm họa, sớm đem lại cuộc sống bình thường mới cho người dân nơi xảy ra động đất ở đất nước này.

Tham gia đoàn cứu hộ, cứu nạn, giúp bạn là thực hiện mục đích nhân đạo. Trong lịch sử, Quân đội ta đã từng giúp nhân dân Campuchia, nhân dân Lào trong sự nghiệp đấu tranh chống quân xâm lược, giải phóng dân tộc, coi “giúp bạn là tự giúp mình”. Đoàn cứu hộ, cứu nạn, giúp bạn của Quân đội ta là các quân nhân đã được đào tạo cơ bản, có sức khỏe, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ tốt. Trong số đó có nhiều quân nhân từng tham gia cứu hộ, cứu nạn tại hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Nam năm 2020 và có mặt tại các tâm điểm phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 ở các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh... Trong đoàn công tác cũng có một số quân nhân từng tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan.

Thiên tai, thảm họa là điều không ai muốn và bất khả kháng. Mất mát về tiền của có thể bù đắp, có thể tạo ra bằng sự quyên góp của cộng đồng nhưng thương vong về con người là vô cùng to lớn, không thể bù đắp được. Việc Quân đội ta tham gia giúp bạn khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa là góp phần làm vơi đi nỗi đau thương, mất mát của một dân tộc, là nghĩa tình bạn bè trong lúc hoạn nạn có nhau, chia bùi sẻ ngọt cùng nhau.

Trong buổi chia tay, tiễn 76 cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp lên đường làm nhiệm vụ quốc tế, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã biểu dương tinh thần chủ động, tích cực khắc phục khó khăn, thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Từng thành viên trong đoàn công tác sẵn sàng nhận nhiệm vụ, họ đã rất khẩn trương thu xếp công việc gia đình, cơ quan để lên đường và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, đáp ứng yêu cầu, sự chờ đợi lực lượng của các quốc gia đến cứu hộ, cứu nạn, trong đó có Việt Nam.

Từng trải qua những năm tháng chiến tranh biết bao gian khổ, đau thương, mất mát, hơn ai hết, dân tộc, nhân dân Việt Nam và cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn khát vọng được sống trong hòa bình. Cán bộ, chiến sĩ quân đội mong muốn an tâm công tác, xây dựng đơn vị; không ai muốn rời xa đồng đội, người thân đi đến nơi “đất khách quê người”, đối mặt với gian khổ, hiểm nguy. Thế nhưng, do yêu cầu, nhiệm vụ và thực hiện công việc nhân đạo, họ đã chấp nhận rời xa người thân, tổ ấm gia đình, xa đơn vị, xa đồng chí, đồng đội để lên đường thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả. Trong số các quân nhân sang Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện nhiệm vụ lần này có một quân nhân chỉ ít ngày nữa sẽ xây dựng gia đình, nhưng vẫn xung phong lên đường và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ để làm quà kỷ niệm ngày cưới. Đó là bằng chứng sinh động thể hiện tinh thần cống hiến, hy sinh của Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình. Vì việc chung, lợi ích chung nên sẵn sàng gác lại việc riêng, lợi ích riêng - đó là phẩm chất, bản lĩnh của người quân nhân cách mạng đã được giáo dục, nuôi dưỡng, tôi rèn bền bỉ trong môi trường quân đội.

Tiếng gọi từ trái tim, mệnh lệnh của cuộc sống

Hơn ai hết, quân nhân mang bộ quân phục màu xanh, đội mũ đeo sao vàng, trên vai, trên ngực áo mang quân hàm tươi màu cờ đỏ và trong trái tim là tình yêu Tổ quốc, hình bóng người thân, gia đình, đơn vị. Họ là Bộ đội Cụ Hồ đi làm nhiệm vụ quốc tế mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ủy thác. Gánh trên vai trách nhiệm thiêng liêng đối với Tổ quốc, niềm vinh dự, tự hào là Bộ đội Cụ Hồ, tấm lòng tận trung với Đảng, trọn hiếu với dân, Đoàn cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của Quân đội ta tham gia cứu hộ, cứu nạn ở Thổ Nhì Kỳ đại diện cho dân tộc Việt Nam, góp sức mình để lan tỏa tinh thần nhân ái, “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam để tương trợ, giúp bạn trong lúc khó khăn, hoạn nạn, hiểm nghèo.

Đây là việc làm đầy tính nhân văn, nhân đạo, tất cả vì con người, vì sự tiến bộ xã hội. Chính điều đó góp phần lan tỏa mạnh mẽ chính sách nhân đạo, đoàn kết, vì hòa bình của Đảng, Nhà nước Việt Nam trước cộng đồng quốc tế. Hàng triệu triệu con mắt trên hành tinh đang dõi theo việc làm, trách nhiệm của của họ đối với thể diện quốc gia, hình ảnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Với vai trò đại diện cho đất nước và cho Quân đội nhân dân Việt Nam, cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của Quân đội ta đang gắng sức khắc phục khó khăn, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội tin tưởng giao phó. Hơn thế, họ còn có nhiệm vụ tạo ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế và chính quyền, nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần giữ vững và phát huy phẩm chất, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong mắt bạn bè quốc tế.

Quân đội ta là Quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Ngoài lợi ích của nhân dân, Quân đội ta không có mục đích nào khác. Nếu không phải vì mục tiêu, lý tưởng cao đẹp ấy thì cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đâu dám xả thân hy sinh vì cách mạng; cùng nhân dân làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân, Quân đội ta đã làm nòng cốt và cùng toàn dân đánh thắng hai thế lực xâm lược cường bạo nhất nhì thế giới là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; đồng thời tình nguyện giúp đỡ nhân dân Lào, đặc biệt là giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, hồi sinh và phát triển đất nước. Phát huy tinh thần quốc tế cao cả đó, việc tham gia cứu hộ, cứu nạn, giúp nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua hoạn nạn, thảm họa động đất là một hoạt động nhân văn trong các hoạt động “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” của Quân đội ta trong thời bình.

Sự thật ấy là minh chứng đầy thuyết phục để bác bỏ mọi sự xuyên tạc, ác ý của những kẻ xấu.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

  Truy tố hai nguyên Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa cùng 5 đồng phạm Ngày 27/2, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Khánh Hòa cho biết, đã có cáo trạng truy tố hai nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Cùng bị truy tố về tội danh này còn có 5 bị can khác là nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Công Thiên, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Mông Điệp, Võ Tấn Thái; nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dẽ và nguyên Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (QLDĐ) Trần Văn Hùng. Hành vi vi phạm của 7 bị can nêu trên xảy ra tại dự án khu du lịch sinh thái tâm linh (STTL) Cửu Long Sơn Tự và dự án biệt thự sông núi (BTSN) Vĩnh Trung trên núi Chín Khúc nằm ở phía Tây TP Nha Trang liên quan đến việc giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ), cấp giấy chứng nhận quyền (CNQSDĐ). Từ sai phạm tại dự án Cửu Long Sơn Tự Theo...
  Vạch trần bản chất 3 “khôi nguyên” nhận cái gọi là giải thưởng nhân quyền Đến hẹn lại lên, ngày 18/11/2024, tổ chức “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam - VHRN” ở Mỹ đã công bố cái gọi là “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam năm 2024” để “vinh danh” các đối tượng Đỗ Nam Trung, Bùi Văn Thuận, Đặng Đăng Phước đang chấp hành án phạt tù về các tội tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam. Đây là chiêu trò quen thuộc hằng năm của VHRN nhằm tuyên truyền, xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.  Bản chất của cái gọi là “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam” Tổ chức “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” (tiếng Anh: Vietnam Human Rights Network – VHRN)  là một tổ chức tự xung ở Mỹ được lập ra với mục tiêu gia tăng các hoạt động dân chủ, nhân quyền trên thế giới, khoác dưới cái mũ “để thúc đẩy tiến trình cải tiến dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam”. Hằng năm, VHRN đưa ra bản “Báo cáo nhân quyền Việt Nam” với nội dung tuyên truyền, xuyên tạc về tình hình nhân quyền cũng như can thiệp vào công việc n...
  Việt Nam tích cực tham gia cuộc chiến toàn cầu chống nạn buôn người Nạn buôn người đang trở thành một trong những vấn nạn nghiêm trọng, có ảnh hưởng toàn cầu, khi tình trạng đói nghèo, xung đột kéo dài và biến đổi khí hậu khiến hàng triệu người rơi vào cảnh dễ bị lợi dụng. Những đối tượng yếu thế này trở thành “con mồi” của các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia. Mới đây, Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) đã đưa ra một báo cáo toàn cầu về nạn buôn người, nhấn mạnh rằng để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam - một quốc gia đang đóng góp tích cực trong cuộc chiến này. Thực trạng đáng báo động Báo cáo của UNODC năm 2024 chỉ ra rằng, trong năm 2022, hơn 69.600 người đã trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người trên toàn cầu, tăng 43% so với năm 2020, thời điểm đại dịch COVID-19 khiến số lượng các vụ án giảm đáng kể. Sự gia tăng này không chỉ phản ánh sự hồi sinh của tội phạm buôn người sau đạ...