Dư luận quốc tế phản ứng thế nào khi Mỹ ném bom miền Bắc năm 1972?
Không chỉ đối mặt với làn sóng phản đối từ dư luận quốc tế, cuộc tập kích bằng B-52 của Mỹ trong chiến dịch ném bom Lễ Giáng sinh cũng gặp phải sự chỉ trích gay gắt của chính dư luận Mỹ.
Bằng bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, trải qua 12 ngày đêm chiến đấu (từ ngày 18 đến ngày 29/12/1972), quân và dân miền Bắc đã bắn rơi tổng cộng 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52, 5 máy bay F-111, 21 máy bay F-4, 12 máy bay A-7, 1 máy bay F-105, 4 máy bay AD-6, 1 máy bay trực thăng HH-53, 1 máy bay không người lái, bắt sống nhiều giặc lái, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến lược.
Với kết quả này, Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), số ra ngày 29/12/1972, bên cạnh bài hát “Hà Nội - Điện Biên Phủ” của Nhạc sĩ Phạm Tuyên, ở trang 2, Chuyên mục Viết tại chỗ về Hà Nội - Điện Biên Phủ có một dòng chữ: “Hà Nội đang thắng một trận Điện Biên Phủ trên không”. Từ đó, cụm từ chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã đi vào sử sách, là biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, gắn liền với sự chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.
Đánh giá về sự anh dũng, quả cảm của nhân dân Việt Nam, Báo Thế giới của Pháp viết: “Đối diện với quân đội Mỹ là cả một dân tộc kiên quyết như quả núi đá, có một tâm hồn cao thượng đáng khâm phục, một tinh thần dũng cảm vô song không hề biết sợ trước bất kể kẻ thù nào”.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara cũng phải thừa nhận: “Những cuộc ném bom hủy diệt của Mỹ đã không thể nào tiêu diệt được ý chí của cả một dân tộc”.
Với Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, biết bao tấm lòng của bè bạn khắp năm châu dành cho Việt Nam bằng sự yêu mến, biết ơn và tự hào.
Có rất nhiều lời hay ý đẹp, có thể nói là tận cùng ngôn ngữ thế gian được cả loài người tiến bộ ngợi khen nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Fidel Castro, vị lãnh tụ mến yêu của nhân dân Cuba khẳng định: “Thắng lợi của nhân dân Việt Nam là một trong những chiến công oanh liệt nhất, vĩ đại nhất của loài người”. Đặc biệt, có một người bạn Mỹ, khi nghe chúng ta tỏ lòng biết ơn về sự ủng hộ quý báu của nhân dân Mỹ đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, đã nói: “Các bạn đừng nói lời cảm ơn! Chính chúng tôi mới phải cảm ơn các bạn. Cuộc chiến đấu đầy hy sinh của các bạn không chỉ vì đất nước Việt Nam mà còn cho cả thế giới, vì lương tâm và danh dự của cả loài người, trong đó có nhân dân Mỹ chúng tôi”. Còn học giả Mỹ Rober Ghilanh khẳng định: “Chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa yêu nước đã nhân lên gấp bội ý chí hy sinh quên mình của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Họ vẫn tiếp tục chiến đấu dưới làn bom đạn khủng khiếp của Mỹ, “vị tất” đã tìm trong lịch sử có kẻ sánh bằng. Thực chất là người Mỹ đã không biết tý gì về đất nước mà họ đã tiến công… Người Mỹ có thể tàn phá đất nước này bằng bom đạn, nhưng đất nước này thậm chí kể cả khi bị tổn thương vẫn không chịu cúi đầu, vẫn không chịu khuất phục”.
Ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, cuộc kháng chiến giành lại quyền sống, quyền tự do của mình, Thụy Điển được coi là một trong những quốc gia đi đầu trong nỗ lực phản đối chiến tranh ở Việt Nam, đặc biệt là chiến dịch Linebacker II của Mỹ trong tháng 12/1972. Khi tin tức Mỹ ném bom vào Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nơi mà Thụy Điển có những viện trợ về trang thiết bị y tế cho phía Việt Nam, lãnh đạo quốc gia Bắc Âu này đã lên tiếng phản đối rất gay gắt. Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme đã soạn thảo một bài phát biểu, trong đó ông so sánh việc Mỹ ném bom ở miền Bắc Việt Nam không khác gì tội ác hàng loạt của phát xít Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Bài phát biểu này sau đó đã được thông tin lên báo chí. Sự phản đối gay gắt của một nguyên thủ quốc gia ở châu Âu đối với Mỹ là một đòn giáng vào uy tín chính trị của Tổng thống Nixon trong bối cảnh Nixon cũng đang gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận Mỹ liên quan đến cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam bởi nó chà đạp lên phẩm giá và lương tri của con người.
Tuy nhiên, Thụy Điển không phải là trường hợp duy nhất, làn sóng phản đối trong các nhà lãnh đạo, trong dư luận quốc tế đối với chiến dịch Linebacker II của Mỹ ở Việt Nam tiếp tục dâng cao, tạo ra áp lực lớn đối với chính quyền của Tổng thống Nixon. Australia, quốc gia từng tham chiến với Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, đã gửi công hàm phản đối về quyết định ném bom trở lại miền Bắc Việt Nam của Tổng thống Nixon. Chính quyền của Thủ tướng Australia Gough Whitlam thậm chí còn chỉ trích công khai trên truyền thông về quyết định trên của chính quyền Mỹ. Phản ứng từ phía Australia đã khiến những người đứng đầu chính quyền Mỹ bất ngờ và tức giận. Cố vấn an ninh Kissinger thậm chí phải thốt lên rằng “Làm sao một đồng minh (của Mỹ) lại có thể cư xử như thế này”.
Trong Thông điệp hàng năm của Giáo hội ở Vatican đối với thế giới, Giáo hoàng Paul VI đã chỉ trích việc Mỹ tiếp tục tiến hành ném bom miền Bắc tạo ra “sự trì hoãn đau khổ” đối với những người dân vô tội. Báo chí quốc tế cũng lên tiếng phản ứng trước chiến dịch ném bom của chính quyền Mỹ. Tờ London Daily Mirror (Anh) cho rằng, các cuộc ném bom của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam đã khiến cho “toàn bộ thế giới phải giật mình trong giận dữ”. Còn tờ Hamburg’s Die Zeit phản ứng mạnh mẽ rằng “Ngay cả đồng minh cũng phải gọi đây là một tội ác chống lại loài người”.
Không chỉ đối mặt với làn sóng phản đối từ dư luận quốc tế, cuộc tập kích bằng B-52 của Mỹ trong chiến dịch ném bom Lễ Giáng sinh cũng gặp phải sự chỉ trích gay gắt của chính dư luận Mỹ. Theo tờ Congressional Quarterly (Washington), trong một cuộc thăm dò được thực hiện vào tháng 12/1972 về phản ứng của 73 Thượng nghị sĩ Mỹ về việc Mỹ ném bom ở Hà Nội, Hải Phòng, có tới 45 người phản đối vụ đánh bom và chỉ có 19 người ủng hộ trong khi một số khác không có ý kiến. Quan trọng hơn, 45 trong số 73 Thượng nghị sĩ cho biết họ sẽ ủng hộ “Luật” chấm dứt chiến tranh (trong khi chỉ có 25 người phản đối và 3 người chưa quyết định).
Thượng nghị sĩ Mike Mansfield của bang Montana, một thành viên của Đảng Dân chủ cho rằng “Chiến thuật đánh bom đến nay đã triển khai được 8 năm. Chiến thuật này đã không tạo ra được bất cứ kết quả nào trong quá khứ… Đây là một trò chơi quyền lực thô bạo đối với cuộc sống của những người dân Mỹ, cũng như người dân nước khác, và do đó, nó thật ghê rợn”. Đồng quan điểm với Thượng nghị sĩ Mike Mansfield, Thượng nghị sĩ Harold E. Hughes của bang Iowa cũng đưa ra nhận định: “Chiến dịch ném bom là vô ích và vô đạo đức”. Ông còn so sánh chiến dịch ném bom mùa Lễ Giáng sinh năm 1972 là một tội ác man rợ không khác những gì đã xảy ra ở Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản).
Mặc dù đặt ra nhiều kỳ vọng, nhưng cuối cùng Mỹ đã thất bại trong chiến dịch Linebacker II. Trong hồi ký của mình, Tổng thống Nixon sau này thú nhận: “Nỗi lo của tôi trong những ngày này không phải là lo những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B-52 quá nặng nề”. Với thực tế đó, nước Mỹ, có lẽ ngàn đời sau, các thế hệ con cháu của họ sẽ vẫn phải khắc khoải bởi đọc những trang viết buồn vì cha ông của họ đã gây nên cuộc chiến tranh xâm lược đẫm máu, phi nhân tính ở Việt Nam và sẽ còn tốn nhiều thời gian, công sức, giấy mực để tìm lời giải đáp: Vì sao cha ông họ - chủ thể của một siêu cường lại thất bại cay đắng ở Việt Nam? Tại sao siêu pháo đài bay B-52 - vũ khí tối tân hiện đại nhất, niềm kiêu hãnh, tự hào của nền khoa học công nghệ quân sự Mỹ lại tan xác trên bầu trời Hà Nội? Tại sao cha ông của họ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán ký kết Hiệp định Paris vào ngày 27/1/1973?
Những câu hỏi về sự thất bại đó và chiến thắng vang dội của nhân dân Việt Nam trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 chỉ có thể được lý giải bởi dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) về sự kết hợp hài hòa giữa cách mạng và khoa học, giữa dám đánh và biết đánh, giữa ý chí kiên định, bản lĩnh vững vàng với năng lực chỉ huy, lãnh đạo tài giỏi; giữa khí phách của chủ nghĩa anh hùng và tài trí tuyệt vời của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Việt Nam.
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét