Chánh án TAND TP Hà Nội nói về 4 điểm nổi bật khi xét xử vụ án AIC
Ngày 22/12, tại Hội nghị triển khai công tác ngành Tòa án năm 2023, Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết về 4 điểm nổi bật liên quan đến việc xét xử vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần tiến bộ Quốc tế (viết tắt là Công ty AIC do Nguyễn Thị Thanh Nhàn là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc), Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai và các đơn vị liên quan trong vụ án vi phạm đấu thầu gây thiệt hại 152 tỷ đồng.
Thứ nhất là vụ án có 36 bị cáo thì có 8 bị cáo bỏ trốn, trong đó có bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Ngoài ra, phiên tòa còn có 65 luật sư đăng ký tham gia tố tụng.
Thứ hai là thời gian thụ lý vụ án rất ngắn. TAND TP Hà Nội thụ lý vụ án từ ngày 24/11 thì đến ngày 21/12 đã đưa ra vụ án xét xử.
Thứ ba, vụ án có 8 bị cáo vắng mặt trong giai đoạn trước khi khởi tố.
Thứ 4 là sau khi phiên tòa sơ thẩm được khai mạc, Hội đồng xét xử sơ thẩm tiếp tục kêu gọi các bị cáo bỏ trốn tới trình diện, trình bày quan điểm tại phiên tòa để tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Chánh án Nguyễn Hữu Chính cho biết thêm, thời gian gần đây, TAND TP Hà Nội đã giải quyết nhiều vụ án lớn như vụ Trương Quốc Cường (cựu Thứ trưởng Bộ Y tế), vụ án Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương), vụ án Cao Minh Quang (cựu Thứ trưởng Bộ Y tế)...
Quá trình xét xử các vụ án đều được thực hiện đúng các quy định của pháp luật, tạo điều kiện và thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo được tranh luận công khai, được tự bào chữa và có luật sư bào chữa. Trước khi Hội đồng xét xử tuyên án, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, chỉ xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có bị cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm dân sự...
Trong vụ án xảy ra tại Công ty AIC, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai và các đơn vị liên quan trong vụ án vi phạm đấu thầu gây thiệt hại 152 tỷ đồng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thành lập và điều hành hoạt động Công ty AIC - doanh nghiệp đa ngành, hoạt động trong các lĩnh vực như y tế, môi trường, cung cấp thiết bị.
Từ năm 2003, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã có quan hệ quen biết với Trần Đình Thành khi đang là Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Năm 2007, trước khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã gặp Trần Đình Thành, thời điểm này là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai và nhờ Trần Đình Thành mời lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các Sở, ngành ăn trưa để giới thiệu Công ty AIC tham gia các dự án của tỉnh Đồng Nai.
Năm 2010, Dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai chuẩn bị thực hiện thủ tục bổ sung vốn đầu tư nhưng gặp khó khăn nên Trần Đình Thành gọi điện thoại cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn, đề nghị giúp tỉnh Đồng Nai xin vốn Trung ương.
Sau đó, Trần Đình Thành giới thiệu Phan Huy Anh Vũ, khi đó là Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai với nhân viên của Nhàn, đề nghị tạo điều kiện để Công ty AIC trúng thầu các gói thầu thiết bị y tế do công ty này có khả năng và có công xin vốn từ Trung ương về tỉnh.
Khi Dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai đấu thầu, Công ty AIC đã trúng thầu do sử dụng các báo giá nâng không lên từ 1,3 lần đến 2 lần so với thực tế. Từ đó, Công ty AIC đã trúng 16/19 gói thầu thiết bị y tế tại tỉnh Đồng Nai với tổng giá trị 665 tỷ đồng. Theo Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, việc Công ty AIC nâng giá và trúng thầu đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 152 tỷ đồng.
Để được tạo điều kiện trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chi tiền hối lộ cho Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) và Phan Huy Anh Vũ 43,8 tỷ đồng.
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét