"Vá lỗ hổng" Luật Đấu thầu, không để "quân xanh, quân đỏ", tham nhũng, tiêu cực
Nhắc đến tình trạng "quân xanh, quân đỏ", thông thầu, tham nhũng, tiêu cực, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nếu nói do luật pháp thì ở chỗ nào, nếu do thiếu chặt chẽ, thiếu công khai, thiếu minh bạch, có "lỗ hổng" thì "vá lỗ hổng" như thế nào...
Chiều 20/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục Phiên họp chuyên đề pháp luật, cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Không nên mở rộng trường hợp chỉ định thầu
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) Nguyễn Phú Cường cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành về sự cần thiết sửa đổi luật nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước.
Tuy nhiên, đối với chỉ định thầu, dự thảo luật quy định 11 trường hợp chỉ định thầu. UBTCNS cho rằng, việc dự thảo luật bổ sung, mở rộng thêm nhiều trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu là chưa thực sự phù hợp với mục tiêu "nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế".
"Do vậy, cần giới hạn việc áp dụng chỉ định thầu với các trường hợp đặc thù: dự án cấp bách; đảm bảo bí mật liên quan đến an ninh, quốc phòng; đầu tư mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh trong trường hợp khẩn cấp; các trường hợp đặc thù gắn với việc đảm bảo yêu cầu đồng bộ về công nghệ, nghiên cứu thử nghiệm, mua bán bản quyền sở hữu trí tuệ", Chủ nhiệm UBTCNS nói và đề nghị Chính phủ rà soát cụ thể từng trường hợp, đánh giá tác động của các trường hợp này để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật Đấu thầu đã đặt ra, tránh việc lợi dụng, lạm dụng chỉ định thầu.
Sửa luật như thế nào để khắc phục đấu thầu kéo dài?
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề cập, thời gian qua có tình trạng gian lận, tham nhũng, tiêu cực trong đấu thầu. Vậy tình trạng ấy tập trung ở những điều nào, và chúng ta sửa đổi như thế nào để đáp ứng việc chống tham nhũng, tiêu cực, gian lận trong đấu thầu?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhắc đến tình trạng "quân xanh, quân đỏ", thông thầu, tham nhũng, tiêu cực: "Nếu nói do luật pháp thì ở chỗ nào, nếu do thiếu chặt chẽ, thiếu công khai, thiếu minh bạch, có "lỗ hổng" thì việc "bịt lỗ hổng" ra sao? Có "lỗ hổng" không, hổng ở đâu, "vá lỗ hổng", sửa như thế nào?". Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tiêu cực ở đây có nhiều, giờ để đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ thì cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, người đứng đầu.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra nên đi thẳng vào những vấn đề sửa đổi, bổ sung, và vì sao phải sửa đổi? "Phải nhận diện được, vì mỗi khi chúng ta nói đến đầu tư công, thường nói đấu thầu thủ tục phức tạp, kéo dài, gây ách tắc, do luật... Sửa luật lần này cần chỉ thẳng ra, nội dung nào, khoản nào, điều nào là ách tắc, phức tạp, làm cho quá trình đấu thầu kéo dài? Sửa như thế nào để khắc phục được điều ấy?", Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tránh tình trạng sửa xong vẫn y nguyên và có vướng mắc lại đổi do luật.
Liên quan chỉ định thầu, Chủ tịch Quốc hội đề cập thực trạng hiện nay kết quả giảm giá qua đấu thầu rất thấp, thường các cơ quan viện cớ này để đưa ra xin chỉ định thầu có giảm giá. "Nhưng cũng có những dự án đấu thầu giảm giá rất lớn, ví dụ các hạng mục đang triển khai của sân bay Long Thành, đấu thầu công khai, rộng rãi, nghiêm ngặt nên giảm được rất nhiều tiền. Cần làm rõ vì sao có tình trạng này và khắc phục như thế nào, cái nào do luật pháp, cái nào do tổ chức thực hiện", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nên chăng để Bảo hiểm xã hội Việt Nam đấu thầu thuốc, thiết bị y tế?
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, thời gian vừa qua xã hội quan tâm tình trạng đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, chúng ta rất cần nhưng thực hiện rất khó khăn. "Cần báo cáo vì sao quá trình đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế lại có khăn, có vấn đề gì dẫn đến khó khăn như thế, Thủ tướng phải chỉ đạo rất quyết liệt nhưng vẫn thấy khan hiếm. Luật phải khắc phục được điều này", Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nêu quan điểm.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vừa có nhiều nguyên nhân, cả khách quan, chủ quan. Thứ nhất, do Bộ Y tế thầu tập trung, mất nhiều thời gian tổng hợp số liệu toàn quốc. Sau dịch, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân tăng vọt (tăng 40-60%) mà dự trù không sát, dẫn tới vượt nhu cầu so với thực tế. Cùng với đó, trong quá trình dịch bệnh có sự đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu.
"Đâu đó có tâm lý e dè của một số người đứng đầu đơn vị. Một số đơn vị của Bộ Y tế vừa qua quá tập trung vào công tác phòng, chống dịch, Trung tâm mua sắm tập trung lại ít người", Thứ trưởng Bộ Y tế thừa nhận. Ngoài ra, một số quy định, đặc biệt trong Luật Đấu thầu phải qua hai quy trình nên kéo dài thời gian thực hiện.
Để giải quyết tình trạng này, theo ông, vừa qua, Trung tâm mua sắm tập trung đã giải quyết được 86/106 loại thuốc thầu tập trung và đàm phán 19/65 thuốc biệt dược. Đồng thời, Bộ Y tế cũng dự kiến chỉnh sửa thông tư, đặc biệt là Thông tư 15, theo đó phân cấp nhiều hơn cho cấp dưới, danh mục cũng dự kiến thu hẹp lại, thay vì 106 loại thuốc thì thời gian tới chắc chỉ tập trung vào vài chục loại, sẽ khả thi hơn.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, nên chăng có sự tham gia của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong thầu tập trung thuốc, thiết bị y tế sẽ giảm được gánh nặng cho Bộ Y tế. "Nếu Bảo hiểm xã hội Việt Nam đảm đương được việc này thì Bộ Y tế rất vui mừng, sẵn sàng chuyển giao", ông khẳng định.
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét