Hồi âm loạt bài "Người nổi tiếng và trách nhiệm trên mặt trận phòng, chống suy thoái"
Báo Quân đội nhân dân số ra các ngày 14, 15, 16, 17-7-2022 đăng loạt bài “Người nổi tiếng và trách nhiệm trên mặt trận phòng, chống suy thoái” của tác giả Thanh Kim Tùng. Tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc, bày tỏ sự đồng tình với những nội dung, thông điệp loạt bài đề cập. Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc ý kiến của một số người nổi tiếng...
Đạo diễn, NSND GIANG MẠNH HÀ, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam: Trau dồi ý thức công dân của người nổi tiếng
Tôi rất đồng tình với những nội dung trong loạt bài về người nổi tiếng trên Báo Quân đội nhân dân. Trong môi trường không gian mạng, sự nổi tiếng và tai tiếng đôi khi chỉ là một lằn ranh mong manh. Vết trượt của suy thoái nằm ở chính cái lằn ranh ấy. Thế nên, bàn về trách nhiệm của người nổi tiếng trên mặt trận phòng, chống suy thoái hiện nay, tôi cho rằng yêu cầu căn bản đầu tiên là người nổi tiếng phải có sự hiểu biết đầy đủ về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Muốn làm tròn trách nhiệm xã hội, người nổi tiếng, nhất là giới nghệ sĩ, trước hết phải làm tròn trách nhiệm của công dân. Mỗi nghệ sĩ gánh trên vai đồng thời hai trách nhiệm ấy.
Trên không gian mạng, người nghệ sĩ phải xác định rõ, cần phát ngôn cái gì, chia sẻ, bình luận những điều gì để góp phần xây dựng, lan tỏa giá trị văn hóa nhân văn, lan tỏa cái đẹp cho cuộc sống. Muốn làm tròn trách nhiệm xã hội của mình thì người nổi tiếng phải luôn có ý thức coi mình là tấm gương sáng cho công chúng. Hình ảnh, tiếng nói, việc làm của những nghệ sĩ nổi tiếng có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đối với công chúng, đặc biệt là thanh thiếu niên. Một bộ phận đông đảo giới trẻ luôn có xu hướng bắt chước, học theo thần tượng của mình.
Bởi vậy, nếu người nổi tiếng là một tấm gương bị lỗi, bị lu mờ, cái xấu, cái tiêu cực sẽ ảnh hưởng thông qua sự ngộ nhận, bắt chước ấy, rất nguy hiểm cho xã hội và môi trường giáo dục-đào tạo. Khi người nổi tiếng ý thức rõ điều đó, luôn trau dồi trách nhiệm công dân thì thông qua lao động sáng tạo và phát ngôn của mình, họ sẽ đưa ra những thông điệp mang tính xây dựng, tính thẩm mỹ, thể hiện cái hồn của nhân văn. Làm được điều đó, người nổi tiếng mới thực sự có đóng góp cho sự nghiệp chung của dân tộc, góp phần tích cực bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ảnh minh họa: TTXVN |
NSND MẠNH CƯỜNG, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Coi trọng giáo dục và tự giáo dục
Loạt bài “Người nổi tiếng và trách nhiệm trên mặt trận phòng, chống suy thoái” đăng trên Báo Quân đội nhân dân đã đề cập, phân tích một cách thuyết phục về những vấn đề đã và đang tồn tại trong đội ngũ những người nổi tiếng hiện nay. Tôi muốn nhấn mạnh thêm ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Thực tế cho thấy, với những nghệ sĩ được đào tạo, giáo dục căn bản, đa số họ luôn có ý thức giữ gìn hình ảnh, trách nhiệm xã hội của bản thân. Những trường hợp phát ngôn lệch chuẩn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường văn hóa và đời sống tinh thần của công chúng chỉ là thiểu số. Đó một phần là do ý thức, cá tính, hành động theo cảm tính cá nhân và một phần quan trọng là từ tác động của môi trường hoạt động nghệ thuật. Không ít người do mải mê hoạt động trong thị trường giải trí nên coi nhẹ việc tự giáo dục, rèn luyện. Trong một số trường hợp, họ không làm chủ được bản thân, có những phát ngôn thiếu suy nghĩ, thậm chí bị lôi kéo, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường văn hóa-nghệ thuật. Đó là điều rất đáng tiếc!
Khi tôi còn làm Chủ nhiệm Khoa Sân khấu, Điện ảnh và Viết văn, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, trong nhiệm vụ giáo dục-đào tạo, chúng tôi luôn coi trọng giáo dục tư tưởng chính trị và đạo đức nghề nghiệp cho người học. Đó là nền tảng để người nghệ sĩ xây dựng ý thức tự giáo dục trong cả cuộc đời lao động sáng tạo. Để giúp người nghệ sĩ càng nổi tiếng càng phải có ý thức tự giáo dục, rèn luyện thì vai trò của cơ quan chủ quản, của các cấp hội, đoàn hết sức quan trọng. Mọi hoạt động của người nổi tiếng phải gắn liền với những quy chuẩn, quy định đạo đức nghề nghiệp để ngăn ngừa các biểu hiện lệch chuẩn, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...
Nhận xét
Đăng nhận xét