Chuyển đến nội dung chính

 

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là với trách nhiệm người đứng đầu

Chiều 12/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì họp với các bộ, ngành Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong khối Chính phủ và chính quyền địa phương.

Cùng dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành đã báo cáo tình hình thanh tra, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua và tình hình, kế hoạch, giải pháp trong thời gian tới.

Công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang được thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và được cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Trong đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được đẩy mạnh; công tác chỉ đạo, điều hành thanh tra, phòng, chống tham nhũng được tập trung thường xuyên; kịp thời phát hiện các dấu hiệu sai phạm để ngăn chặn, xử lý...

Công tác thanh tra, phòng, thống tham nhũng được tập trung trong các lĩnh vực nhạy cảm như khoáng sản, đất đai, bất động sản, tài chính, đầu tư, xây dựng, quản lý tài sản nhà nước, quy hoạch... Qua đó góp phần ngăn chặn, xử lý kịp thời, không để các vấn đề phát sinh ảnh hưởng lớn tới các vấn đề vĩ mô và các cân đối lớn.

Bên cạnh đó, các đại biểu nhận định, các hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, trên nhiều lĩnh vực, một số vụ việc có quy mô lớn.

Trong khi vẫn còn một số bất cập do quy định của pháp luật còn chưa hoàn thiện, đồng bộ; lực lượng chuyên ngành phòng chống tham nhũng chưa đủ mạnh; công tác phòng ngừa được quan tâm, song hiệu quả chưa cao; xử lý sai phạm, thu hồi tài sản do tham nhũng mà có còn khó khăn...

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng trong năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống thuộc khối Chính phủ và chính quyền địa phương được tổ chức xuyên suốt, bao quát, liên tục, quyết liệt từ Chính phủ đến chính quyền các địa phương, dưới sự lãnh đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương; thể hiện quyết tâm chính trị cao và đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Trong suốt quá trình chỉ đạo, lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội và các vấn đề khác, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm và luôn đề cập tới công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đặc biệt là trong các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó Chính phủ cũng tổ chức tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục hậu quả các vụ việc tồn đọng, kéo dài trong nhiều năm qua.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được đặc biệt quan tâm với nhiều nghị định, nghị quyết được Chính phủ ban hành; đề xuất Quốc hội sửa đổi, ban hành các Luật, Nghị quyết để dần hoàn thiện thể chế, khơi thông các điểm nghẽn và làm cơ sở pháp lý để thực hiện.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được đẩy mạnh. Tổ chức, bộ máy tại các cơ quan, đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng được kiện toàn. Trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng được nâng cao. Phòng, chống tham nhũng tại các doanh nghiệp ngoài Nhà nước được quan tâm hơn. Công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại tố cáo được đẩy mạnh, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, đã phát hiện, xử lý nhiều sai phạm, tham nhũng, tiêu cực...

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục như chất lượng các cuộc thanh tra cần được nâng lên; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần được đổi mới; chất lượng, số lượng đội ngũ làm công tác thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu ở mức cao; thanh tra chuyên đề, chuyên ngành cần được đẩy mạnh; công tác giám định, định giá tài sản, việc xử lý tài sản, thu hồi tài sản còn khó khăn; quyết tâm chính trị của một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa cao; cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đủ mạnh; việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của người dân còn hạn chế…

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ trong phòng, chống tham nhũng thì công tác phòng ngừa là cơ bản, lâu dài; xử lý, khắc phục hậu quả là cấp bách, quan trọng. Do đó các bộ, ngành, chính quyền địa phương phải tuân thủ lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn; bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, tham mưu kịp thời... để phòng, chống tham nhũng từ sớm, từ xa.

Thủ tướng Chính phủ dự báo, năm 2022 tình hình diễn biến khó lường trên mọi mặt, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Do đó công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần bám sát các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Theo đó, các bộ, ngành, cơ quan thuộc khối Chính phủ, chính quyền các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bám sát sự lãnh đạo của Đảng; cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thủ tướng yêu cầu ngành Thanh tra tăng cường thanh tra, nhất là đối với trách nhiệm người đứng đầu, trong đó có người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương; tổ chức thanh tra chuyên đề, chuyên ngành.

Tập trung thanh tra các chương trình lớn như chương trình phòng, chống COVID-19; chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội; cổ phần hóa doanh nghiệp; xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; đầu tư công… và thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực: đất đai, chứng khoán, quy hoạch, tài nguyên, môi trường; quy hoạch năng lượng; quản lý khoáng sản…

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị các ngành nội chính đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, xét xử các vụ án theo đúng pháp luật, trên tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động kinh tế-xã hội để có cơ sở dữ liệu và minh bạch hóa các hoạt động, giảm nguy cơ tham nhũng, tiêu cực. Cần tiếp tục củng cố lực lượng chuyên trách phòng, chống tham nhũng; có biện pháp tốt hơn, bảo vệ những người tố giác.

Phát hiện, nhân rộng những người dám nghĩ, dám làm; cách làm mới, cách làm hay. Chủ động đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, ngoài triển khai phòng, chống tham nhũng theo kế hoạch cần bám sát thực tiễn, kịp thời kiểm tra, thanh tra đối với những vấn đề nổi lên.

Đặc biệt phải phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức Đảng trong khối Chính phủ và chính quyển địa phương và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan khối chính quyền với các cơ quan Đảng, Tòa án, Viện Kiểm sát… để phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn.

Thủ tướng đề nghị kể từ năm 2022, hằng tháng, hằng quý phải có báo cáo và tổ chức họp để kiểm điểm tình hình phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong khối Chính phủ và chính quyền địa phương; đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo, có giải pháp xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

  Đừng tát nước theo mưa Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, trong đó có việc ủng hộ tiền, vật chất cho đồng bào bị lũ lụt. Vì thế, việc Ủy ban Trung ương   MTTQ Việt Nam (MTTQ) đăng công khai 12.028 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 với tổng số tiền 527,7 tỷ đồng, tính đến 17h ngày 12/9 được dư luận đánh giá rất cao; cho đây là hành động công khai, minh bạch, kịp thời truyền tải được tình cảm của người dân Việt Nam với đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Về phía MTTQ Việt Nam, thông qua sự kiện, đơn vị cũng kỳ vọng các tổ chức cá nhân khác tiếp nhận ủng hộ …, cũng làm tương tự, công khai kết quả tiếp nhận, sao kê. Thế nhưng, sau khi bản sao kê được đăng tải công khai, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều luồng thông tin trái chiều. Một số người bức xúc phát hiện dấu hiệu nghi vấn gian dối khi đối chiếu thông tin công khai trước đó của một số nghệ sĩ nổi tiếng, tổ chức, doanh nghiệ...
  Lực lượng Công an đấu tranh hiệu quả với tội phạm có tổ chức; tội phạm tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp Việc tăng cường Công an xã chính quy và lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở góp phần giáo dục, quản lý chặt chẽ hơn nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội cao, đối tượng có liên quan đến ma tuý; chủ động phát hiện, giải quyết sớm các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ đầu và tại cơ sở Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 37, sáng 13/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao năm 2024. Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an dự, báo cáo công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm và vi phạm pháp luật Trình bày báo cáo thẩm tra các báo cáo trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, v...
  Nhận diện mưu đồ chống phá đất nước núp bóng “công đoàn độc lập” Những năm gần đây, để thực hiện mưu đồ đen tối, các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu ra sức gia tăng hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước ta trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi lên là vấn đề liên quan đến dân chủ, nhân quyền và người lao động. Lợi dụng quy định của pháp luật cho phép thành lập tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, những đối tượng cơ hội chính trị dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn lôi kéo, kích động công nhân và người lao động tăng cường các hoạt động bất hợp tác với người sử dụng lao động, đòi thành lập cái gọi là “công đoàn độc lập” nhằm mưu đồ hình thành tổ chức chính trị đối lập để chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất an ninh xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Thủ đoạn ráo riết của các thế lực thù địch thực hiện thời gian qua là ra sức tuyên truyền tô vẽ để đề cao các tổ chức xưng danh “công đoàn độc lập Việt Nam để bảo vệ...