Cơ chế và đạo đức - hai cái khuôn vàng
Nói về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Mục đích kỷ luật là để "trị bệnh cứu người", cảnh tỉnh, răn đe, do đó phải quán triệt phương châm phòng ngừa chặt chẽ, ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn”.
Tổng Bí thư cũng cho rằng: “Không phải cứ xử tử, hay chung thân mới là kết quả tốt. Cái chính là người đó phải nhận ra sai lầm, phải thu hồi được tài sản, không để thất thoát. Bất đắc dĩ lắm mới sử dụng đến biện pháp không ai mong muốn là tử hình...”.
“4 không” trong phòng, chống tham nhũng
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có một môi trường tốt nhằm ngăn chặn tối đa tham nhũng, tiêu cực, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân không lạc lối, sa ngã vào các tệ nạn?
Thực hiện “4 không” trong PCTN đã được nhắc tới nhiều lần trong thời gian qua. Cụ thể, Đảng, Nhà nước xây dựng các quy định về phòng ngừa để cán bộ “không thể tham nhũng"; quy định về răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng’’; tuyên truyền, giáo dục để “không muốn tham nhũng"; quy định về bảo đảm để “không cần tham nhũng".
Nhìn rộng ra, các nước trong khu vực cũng như trên thế giới đều phải đưa ra nhiều giải pháp để chống tham nhũng. Trong đó, Singapore cũng đã đưa ra giải pháp “4 không”, bao gồm: Không dám tham nhũng, không thể tham nhũng, không cần tham nhũng, không được tham nhũng. Kết quả chống tham nhũng của Singapore rất tích cực khi đã kết hợp tốt các cơ chế minh bạch về tài sản công chức; kiểm soát chặt các tài sản tăng thêm và buộc công chức phải giải trình, không giải trình được thì sẽ bị nhà nước trưng thu.
Theo quy định của Chính phủ Singapore, công chức chỉ được nhận mức quà tặng với giá trị 100 đô la Singapore trở xuống. Nếu trên mức đó, người được tặng phải tìm cách từ chối hoặc muốn nhận thì phải xin phép lãnh đạo trực tiếp có ý kiến cho phép thì mới được nhận, nếu không phần nhận dư ra sẽ bị trưng thu. Cùng với đó, lương công chức của Singapore bảo đảm đủ cho mức sống tại nước này.
Phương hướng, giải pháp như trên cũng đã được đưa vào chủ trương, chính sách, trong quy định của pháp luật Việt Nam, thậm chí ở mức cao hơn. Ví dụ, Điều 25, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1-7-2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN quy định cán bộ, công chức, viên chức không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
Trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng. Đối với trường hợp cán bộ, công chức vi phạm quy định trên sẽ bị xử lý ở nhiều mức, trong đó có cả cách chức, buộc thôi việc. Đảng, Nhà nước ta cũng đề ra yêu cầu, lộ trình tăng lương cho cán bộ, công chức. Tuy nhiên, giữa mong muốn và kết quả đạt được chưa tương xứng, giữa quy định của luật pháp và việc thực thi luật pháp tại Việt Nam trong vấn đề này vẫn còn khoảng cách.
Ảnh minh họa / tuyengiao.vn |
Ngay trong việc kê khai tài sản cán bộ, công chức, mặc dù đã rất cụ thể về cách thức kê khai, đơn vị giám sát, kiểm soát ở các cấp, thế nhưng, do các cơ chế, công cụ kiểm soát tại Việt Nam chưa đầy đủ nên để xác định tính chính xác của các bản kê khai tài sản của cán bộ là không hề dễ dàng.
Ngày 23-11-2021, trong buổi tiếp xúc cử tri các quận: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng), nói về việc PCTN, tiêu cực, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng: "Hình phạt phải đúng mức, người ta mới không dám tham nhũng. Còn với không thể tham nhũng thì cơ chế, chính sách phải chặt chẽ, minh bạch; sự giám sát của người dân phải được tăng cường một cách hiệu quả để cán bộ thấy rằng làm việc gì người dân cũng biết.
Ở mức độ cao hơn là không cần tham nhũng, không muốn tham nhũng thì cần có thời gian”. Thường trực Ban Bí thư cho rằng, không hẳn cứ tăng lương là cán bộ không cần tham nhũng. Vì ở những nước giàu có, thu nhập rất cao vẫn xảy ra tham nhũng. "Trong thực tế, khi chúng ta xử lý cán bộ, giải quyết các vụ án liên quan đến tham nhũng thì những cán bộ tham nhũng không phải do nghèo khó. Thậm chí những cán bộ đó có điều kiện sống tốt hơn nhiều người khác", đồng chí Võ Văn Thưởng nói.
Tăng hiệu quả thực thi pháp luật
Tại Việt Nam hiện nay đã có một hệ thống các cơ quan, ngành của Đảng và Nhà nước có chức năng PCTN, tiêu cực bao gồm: Nội chính, kiểm tra, thanh tra, công an, kiểm sát, tòa án, kiểm toán, ngân hàng, thuế... Đường lối xử lý chung đối với tội phạm về tham nhũng trong Bộ luật Tố tụng hình sự là rất nghiêm minh.
Tuy nhiên, các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và đường lối xét xử đối với tội phạm tham nhũng cần phải được hướng dẫn, quy định cụ thể hơn để triển khai thực hiện hiệu quả trên thực tế, nếu không thì chỉ nằm ở những nguyên tắc chung trong các quy định mà thôi.
Thực tế cho thấy, khâu khó nhất trong chống tham nhũng là phát hiện tham nhũng, vì hành vi tham nhũng là hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm đặc biệt. Đặc biệt về chủ thể, về khách thể, về hành vi, về mối quan hệ, về hậu quả pháp lý nên rất cần một cơ quan chống tham nhũng đặc biệt về mô hình, cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực, cơ chế hoạt động, nhất là hành lang pháp lý về thẩm quyền, trách nhiệm trong hoạt động.
Theo quy định của Luật PCTN, Nhà nước ta đã thành lập 3 cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng trong Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Nhưng theo báo cáo về công tác PCTN hằng năm thì hiệu lực, hiệu quả công tác của các cơ quan này chưa cao, chưa đạt như kỳ vọng, mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chính vì vậy, hiện nay có ý kiến các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu để xây dựng mô hình cơ quan nhà nước chuyên trách về chống tham nhũng phù hợp, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả cao.
Việc nghiên cứu này có thể sẽ được tiến hành để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ quan PCTN. Tuy nhiên, một điều mà tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân đều đang nhìn thấy rõ là Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực (gọi tắt là Ban chỉ đạo) đang thể hiện rất hiệu quả vai trò và rất đúng nguyên tắc, đúng quy định trong đấu tranh PCTN, tiêu cực. Là vì, chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN theo nguyên tắc thượng tôn pháp luật.
Thế nhưng, cần phải thấy rằng, Nhà nước ta do Đảng lãnh đạo, điều này đã được quy định rõ trong Hiến pháp. Trong các cơ quan nhà nước đều có tổ chức đảng lãnh đạo. Cán bộ lãnh đạo, quản lý của Nhà nước đều là đảng viên. Vì thế, mô hình Ban chỉ đạo là có căn cứ pháp luật, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh PCTN, tiêu cực. Nó đúng cả về lý luận và thực tiễn.
Quy định số 32-QĐ/TW cho thấy, Ban chỉ đạo đã trở thành một cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực đặc biệt về mô hình, cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực, cơ chế hoạt động, đủ quyền hạn, đủ sức mạnh và lực lượng để xử lý và kiến nghị xử lý các vụ tham nhũng, vụ tiêu cực phức tạp, liên quan đến những cán bộ cao cấp và cả những cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Hiệu quả của Ban chỉ đạo là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, luật hóa vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động, nguồn lực và tất cả những gì liên quan tới Ban chỉ đạo theo tinh thần nhà nước pháp quyền XHCN. Mục đích cuối cùng vẫn là nâng cao hiệu quả của công tác PCTN, tiêu cực.
Trong cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo ngày 18-11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận rõ rằng: “Ủy ban Kiểm tra có lợi thế là đi kiểm tra dấu hiệu vi phạm. Điều lệ cho phép, có dấu hiệu vi phạm là đi kiểm tra. Đấy là răn đe”.
Cũng tại cuộc họp trên, Thường trực Ban chỉ đạo đã thống nhất đưa việc xử lý hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên trong 3 vụ án, vụ việc vào diện Ban chỉ đạo theo dõi chỉ đạo. Như thế, trong các vụ án, vụ việc trên chưa cần xác định có hành vi tham nhũng hay không, mà chỉ cần có dấu hiệu hành vi tiêu cực thì Ban chỉ đạo đã đưa vào diện theo dõi chỉ đạo. Điều này minh chứng thêm cho hiệu lực, hiệu quả trên thực tế của Ban chỉ đạo.
Giữ gìn và lan tỏa sự trong sạch, đạo đức
“Mong các đồng chí hết sức giữ gìn, phải thật sự gương mẫu, thật sự là thanh kiếm và lá chắn. Kiếm phải sắc, lá chắn phải vững, nhưng cái tâm phải trong sáng, cái đức phải tốt, phải hết sức tỉnh táo, giữ mình cho trong sạch...
Ban chỉ đạo của chúng ta phải mẫu mực thì mới đi làm được người khác, công tâm, khách quan, trong sáng, vô tư, nắm luật pháp, nhưng lại có tình, có nghĩa”. Đó là những lời chân thành, tâm huyết mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói trong cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Một tấm gương sống còn hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Sở dĩ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu Ban chỉ đạo để đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân hết sức kính trọng và tin tưởng là nhờ uy tín cao, sự nêu gương cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Thế nên để PCTN, tiêu cực hiệu quả, chúng ta cần ngày càng nhiều “tấm gương sống” ở vị trí người đứng đầu.
Chỉ cần nhìn vào họ là cấp dưới biết cần phải hành xử thế nào cho đúng. Người đứng đầu có năng lực lãnh đạo tốt, đạo đức tốt thì chắc chắn cơ quan, đơn vị, tổ chức đó sẽ trong sạch, vững mạnh. Khi đội ngũ cán bộ, đảng viên đều là những “tấm gương sống” về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống thì mới lan tỏa được ra xã hội.
Nhiều ý kiến đề cao pháp trị trong PCTN, cho rằng luật pháp, quy định cứ nghiêm minh thì không còn cửa nào cho tham nhũng, tiêu cực. Điều này đúng, nhưng chắc chắn là chưa đủ. Là vì, luật pháp chỉ điều chỉnh được phần ngọn của vấn đề, tức là dùng các điều luật, quy định để ngăn chặn các hành vi sai trái. Còn phần gốc vẫn là phải xây dựng con người, gồm xây dựng phẩm chất chính trị và đạo đức. Luật pháp cũng do con người xây dựng. Nhận thức, đạo đức và lợi ích của con người sẽ điều chỉnh việc xây dựng luật pháp theo các hướng khác nhau. Muốn có luật pháp tốt thì phải có con người tốt.
Thời kỳ đầu đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói về chống tiêu cực: “Phải quyết liệt chống tiêu cực thì nhân tố mới mới thật sự có chỗ đứng, giống như có nhổ sạch cỏ dại, diệt sâu rầy thì lúa mới mọc lên vậy”. Như vậy, mục đích cuối cùng không phải là “nhổ cỏ dại, diệt sâu rầy” mà mục đích cuối cùng là để “lúa mọc lên”. Cũng như giai đoạn hiện nay, chúng ta chống tham nhũng, tiêu cực rất quyết liệt không phải là để “diệt người” mà là để “trị bệnh cứu người”, để xây dựng con người.
Công tác xây dựng ấy cần có thời gian, có bước đi phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa cơ chế, luật pháp với tuyên truyền, giáo dục. Chống tiêu cực, tham nhũng, mỗi cán bộ, đảng viên không phải chỉ nhìn xung quanh để chống, mà cần chống ngay trong chính bản thân mình. Để rồi mỗi ngày trôi qua, con người mới tốt đẹp của chúng ta ngày càng được hoàn thiện, là cơ sở để xây dựng mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cả đất nước ta, xã hội ta ngày càng tốt đẹp hơn.
Nhận xét
Đăng nhận xét