“Lá chắn” cho mẹ và bé trong đại dịch
Ở TP Hồ Chí Minh còn có nhiều em bé sơ sinh chào đời cả tháng nhưng chưa được gặp người thân, bởi mẹ các em còn nằm trong phòng bệnh nặng, cha em mắc COVID-19, gia đình mỗi người một nơi đi cách ly. Để bảo vệ phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh trong đại dịch, tiêm vaccine là lá chắn an toàn nhất lúc này.
Tiếng máy thở "tít tít" vang lên trong khu ICU của Bệnh viện Hồi sức COVID-19 thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh. Trên giường bệnh, sản phụ được chuyển từ Bệnh viện Từ Dũ sang đang phải thở máy, lọc máu, tình trạng rất nguy kịch. BSCKII Trần Thanh Linh, Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cho biết, sản phụ đã được giải quyết thai từ Bệnh viện Từ Dũ, chuyển sang đây phải thở máy, lọc máy, suy tim, suy thận.
Sau một thời gian điều trị hồi sức tích cực, sản phụ đã có đáp ứng, oxy trong máu được cải thiện, đang giảm dần thuốc an thần, hy vọng một vài ngày tới sẽ tốt hơn, sau đó đánh giá để rút ống thở.
BS Linh cho biết, các sản phụ điều trị ở đây đều mắc COVID-19 rất nặng và nguy kịch được chuyển từ các bệnh viện: Trưng Vương, Từ Dũ, Thủ Đức… sang. COVID-19 đối với thai kỳ rất nặng và nặng nhanh vô cùng, tổn thương phổi cũng rất nhanh, nhiều trường hợp ảnh hưởng đến thai nhi, buộc phải cứu mẹ. Nhưng cũng có khá nhiều trường hợp cứu được cả mẹ và con.
Đối với thai phụ, khi cứu được cả mẹ và con, sẽ là động lực rất nhiều cho các bệnh nhân và thân nhân của họ. Vì thế, các bác sĩ đều cố gắng tích cực cứu chữa, dù chỉ còn hy vọng mong mong họ cũng cố gắng. Có nhiều bà mẹ mang thai ở tuần 27-28 phải thở máy, đã được điều trị hồi phục, mẹ con xuất viện.
Bệnh viện Hùng Vương trở thành nơi thu dung và điều trị cho rất nhiều thai phụ mắc COVID-19 của TP Hồ Chí Minh trong đợt dịch thứ 4. Nhiều bé sinh rất non tháng vì buộc phải chấm dứt thai kỳ sớm để cứu mẹ F0 trở nặng.
Thai phụ có khả năng trở nặng bất cứ lúc nào, có khi chỉ trong tích tắc, nên các bác sĩ trực phải theo dõi sát sao để kịp thời cứu cả mẹ và con. Chỉ khi em bé chào đời an toàn, bác sĩ mới hoàn toàn nhẹ nhõm.
Có nhiều bà mẹ sau khi sinh con, phải vào khu cách ly điều trị F0, nhiều người khó thở, sốt cao, phải thở oxy, thở máy. Để động viên, khích lệ tinh thần sản phụ, Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện đã tổ chức chụp ảnh bé để gửi cho mẹ, giúp mẹ và bé được gần với nhau, tiếp thêm sức mạnh bản năng để sản phụ vượt qua dịch bệnh.
Đặc biệt, việc làm này còn mang đến cho những bà mẹ không may mắn có cơ hội được nhìn thấy con mình trước khi nhắm mắt. Bên cạnh đó, Bệnh viện Hùng Vương còn thành lập Trung tâm HOPE, nơi chăm sóc, nuôi dưỡng những em bé sơ sinh có mẹ là F0 và chưa được người thân đón về. Tại đây có các cô bảo mẫu là những tình nguyện viên thay mẹ chăm sóc bé, chờ tới ngày bé được về với vòng tay thân yêu của gia đình. Đây là 2 trong số nhiều sáng kiến đầy tính nhân văn của những tấm lòng y bác sĩ từ Bệnh viện Hùng Vương hướng đến người bệnh.
Để phòng, chống COVID-19 cho bà mẹ mang thai và bà mẹ đang nuôi con nhỏ, tiêm vaccine là giải pháp hiệu quả nhất lúc này, không chỉ bảo vệ được các thai phụ nếu có mắc COVID-19 không trở nặng, mà còn bảo vệ trẻ sơ sinh khi mẹ các bé được tiêm chủng.
Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ mang thai và cho con bú tiêm vaccine phòng COVID-19 còn thấp. Vừa qua, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các địa phương, y tế các Bộ: Công an, Quốc phòng về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai, không chờ đợi, không lựa chọn vaccine.
Để tăng tỷ lệ bao phủ vaccine ở nhóm này, đặc biệt khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị khẩn trương rà soát danh sách phụ nữ có thai từ 13 tuần trở lên trên địa bàn quản lý, lập kế hoạch và tổ chức tiêm tại các cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa.
Bộ Y tế lưu ý, việc tiêm vaccine ưu tiên cho các địa bàn, khu vực đang có dịch và lực lượng y tế tuyến đầu, các đối tượng khác phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn.
Nhận xét
Đăng nhận xét