Chuyển đến nội dung chính

 

Cuộc chiến sinh tử trong phòng ICU

Nam thanh niên 19 tuổi đối mặt với sinh tử suốt 1 tháng trong phòng ICU khi hai phổi đông đặc, bội nhiễm, suy thận, đã phải can thiệp kỹ thuật cao nhất là ECMO. Một bệnh nhân khác vừa mắc COVID-19 lại phải trải qua một cuộc đại phẫu cắt ruột và u đại tràng, dù đã rút được ống thở nhưng ông vẫn không dám ngủ vì sợ nhắm mắt sẽ mãi mãi không tỉnh lại.

Một thai phụ đã mất con vì COVID-19, nhưng tính mạng của chị cũng khó lòng giữ nổi khi hai phổi tổn thương nặng nề, suy tim, suy thận phải can thiệp thở máy…Chưa bao giờ, sự sống và cái chết lại mong manh đến vậy. Hàng ngàn cuộc chiến sinh tử tại tầng điều trị cao nhất bệnh nhân COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh vẫn diễn ra. Tại đây, các bác sĩ giành giật từng khoảnh khắc để hồi sinh nhịp đập và hơi thở cho bệnh nhân.

Giành giật sự sống từ bàn tay tử thần

Đã mấy tháng nay, trong phòng ICU (hồi sức tích cực) của Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) không có ngày và đêm, chỉ có tiếng “tít tít” của chỉ số sinh tồn. Tại khu ICU dành cho bệnh nhân nặng nhất, phải can thiệp bằng kỹ thuật đỉnh cao ECMO, lúc đầu dự kiến 29 phòng, mỗi phòng 1 giường, sau dịch bệnh diễn biến phức tạp, mỗi phòng tăng lên 2 giường, thành 58 bệnh nhân.

Cuộc chiến sinh tử trong phòng ICU -0
Bác sĩ Trần Thanh Linh và đồng nghiệp rút ống nội khí quản cho nam bệnh nhân 19 tuổi.

Bác sĩ CKII Trần Thanh Linh, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy - Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 Thủ Đức đang kiên nhẫn gọi nam bệnh nhân 19 tuổi phải can thiệp ECMO: “Bác sẽ rút ống thở cho con nha, con cố gắng con thở, rồi con được ăn qua miệng, từ từ 1 đến 2 ngày nữa các bác sẽ bỏ ECMO cho con. Cố gắng xíu nữa là khỏe…nào con há miệng ra, bác sĩ rút ống thở cho con nha…. Thả lỏng ra, hít sâu bằng mũi, thở bằng miệng…Cố gắng ho mạnh lên, con thở tốt ít ngày nữa là bỏ máy ECMO được về nhà. Nào, con ho mạnh, hít sâu, thở ra…”.

Vừa dỗ cậu thanh niên, anh và đồng nghiệp vừa thực hiện thao tác rút ống nội khí quản cho nam bệnh nhân sinh năm 2002. Rất nhanh, ống thở được rút ra, tiếng “tít tít” của máy móc, tiếng thở nặng nhọc, tiếng bác sĩ vỗ dung cho bệnh nhân vang lên không ngừng. Dù mặc bộ đồ bảo hộ kín mít, song khi nhắc đến bệnh nhân này, BS Linh vẫn không giấu được niềm vui, bởi hy vọng sống của cậu rất cao.

Đây là ca bệnh COVID-19 điển hình khi tuổi còn rất trẻ nhưng đã nguy kịch. Đến ngày rút được ống thở, bệnh nhân đã nhập viện được gần 1 tháng. “Khi vào viện bệnh nhân đã suy hô hấp phải thở máy, phổi tổn thương nặng. Sau 3 ngày thở máy và can thiệp lọc máu liên tục, bệnh nhân đáp ứng kém, thở máy chức năng cao không cải thiện, máy thở hiện tại không kiểm soát được tình trạng hô hấp của người bệnh, chúng tôi quyết định làm ECMO vì bệnh nhân còn quá trẻ”, BS Linh cho biết.

Cuộc chiến sinh tử trong phòng ICU -0
Nam bệnh nhân vượt qua “cửa tử” đang nói chuyện với người thân qua điện thoại.

Hôm nay là một ngày khá đặc biệt, ở khu vực ICU của Bệnh viện Hồi sức COVID-19 có nhiều bệnh nhân phải thở máy được rút ống nội khí quản, vượt qua được “cửa tử”. Tại một giường bệnh ở khu ICU 1, BS Linh tiếp tục hướng dẫn bệnh nhân: “Chú thở chậm thôi mới rút ống được, nào chú há miệng ra…”. Bệnh nhân dù vừa trải qua sinh – tử, chưa tỉnh táo hoàn toàn, nhưng khát vọng sống rất mãnh liệt, hợp tác với bác sĩ rất tốt. 

Ngoài điều trị COVID-19, bệnh viện còn có sẵn phòng mổ cấp cứu cho bệnh nhân dương tính. Nằm trong phòng ICU là một nam bệnh nhân COVID-19 vừa từ cõi chết trở về. Anh trải qua cuộc đại phẫu cắt ruột, cắt u đại tràng, làm hậu môn nhân tạo. Tỉnh dậy sau nhiều ngày thở máy, nam bệnh nhân được rút ống nội khí quản từ hôm trước, song không dám ngủ vì lo sợ nếu nhắm mắt, anh mãi mãi không tỉnh lại nữa. BS Linh động viên: “Anh khỏe rồi, anh đã sống rồi, chỉ một hai ngày nữa thôi anh sẽ từ từ hồi phục, hôm nay sẽ ăn và uống sữa qua miệng. Anh ngủ đi, phải ngủ thì mới có sức khỏe, mới hồi phục về nhà được”.

Để trấn an người bệnh, bác sĩ kết nối điện thoại về gia đình để anh gặp người thân. Nhận được an ủi, động viên từ gia đình, người bệnh đã dần lấy lại bình tĩnh. Có lẽ mỗi bệnh nhân sau khi trở về từ cõi chết đều sẽ rất…sợ chết. Hơn ai hết, họ hiểu được cảm giác đứng giữa ranh giới sống và chết là như thế nào. Vì vậy, những cuộc gọi từ buồng bệnh nguy kịch của bác sĩ kết nối với người thân của họ qua điện thoại chính là động lực, tiếp thêm sức mạnh để người bệnh mau chóng bình phục trở về với gia đình, với người thân đang chờ.

Nghẹt thở ép tim cứu bệnh nhân

Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nguy kịch của Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Việt Đức đặt tại Bệnh viện dã chiến số 13 (Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh). Bên trong nhà N4 hôm nay là ca trực của BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Trung tâm Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Việt Đức cùng khoảng 10 bác sĩ, điều dưỡng. Đây là khu vực điều trị cho bệnh nhân nặng, diễn biến nguy kịch rất nhanh, ai cũng chăm chú quan sát từng chỉ số của người bệnh.

Cuộc chiến sinh tử trong phòng ICU -0
Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đang ép tim cấp cứu bệnh nhân COVID-19 nguy kịch.

Tiếng máy rít lên báo hiệu nguy cấp. Cùng lúc có hai nam bệnh nhân chuyển biến rất nguy kịch. BS Hạnh điện thoại hỗ trợ, hỏa tốc chỉ huy ekip “chuẩn bị ép tim”. Các bác sĩ nhanh chóng vào việc, mỗi người một nhiệm vụ, không khí căng thẳng đến nghẹt thở. Sau vài phút, chỉ số mạch, SPO2, huyết áp của bệnh nhân đã trở lại. Lúc này, cả ekip mới thở phào nhẹ nhõm dù ai cũng mồ hôi đầm đìa. Nam bệnh nhân còn lại nhập viện đã hơn 10 ngày, do tổn thương phổi cũng đang trên đà xấu đi nên bệnh nhân có diễn biến xấu rất nhanh. Dù được cấp cứu thở, bệnh nhân rất hợp tác, nhưng do phổi tổn thương rất nặng nên đáp ứng kém.

Cùng một lúc phải cấp cứu 2 bệnh nhân, trong khi kíp trực có 10 bác sĩ và điều dưỡng, khoảnh khắc bệnh nhân trở nặng, nhân lực phải chia đôi để kiểm soát hai bên. “May mắn chúng tôi đặt ống nội khí quản thành công, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch ban đầu, nhưng quãng thời gian tới thì tiên lượng khá nặng và vẫn còn phải điều trị lâu dài, cần nhiều công sức hơn nữa”, BS Hạnh nói.

Cuộc chiến sinh tử trong phòng ICU -0
Nỗ lực của các bác sĩ tại Trung tâm Hồi sức tích cực để cứu bệnh nhân nặng.

Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Việt Đức có 5 khu nhà điều trị để phân tầng bệnh nhân từ nguy kịch, nặng, vừa và nhẹ. Khu N4 có hơn 50 giường bệnh, chủ yếu thở oxy dòng cao HFNC, bệnh nhân chuyển nặng, có nhiều bệnh nền và diễn biến rất nhanh. Vì thế các bác sĩ luôn trong tâm thế sẵn sàng, bất kỳ lúc nào cũng có thể cấp cứu được cho bệnh nhân. 

Theo chia sẻ của BS Hạnh, chị tình nguyện vào TP Hồ Chí Minh chống dịch từ đầu tháng 8, qua gần 50 ngày làm việc trong khu điều trị bệnh nhân nặng, BS Hạnh và động đội thường xuyên gặp những tình huống một vài ca bệnh cùng lúc trở nặng như hôm nay. Việc bác sĩ ép tim cứu bệnh nhân thường xảy ra.

Nỗ lực đến cùng để cứu người bệnh

Tôi rất xúc động khi đọc những dòng cảm ơn của cháu bé 7 tuổi ở TP Hồ Chí Minh gửi BS Trần Thanh Linh và các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy vì “đã cứu bố cháu sống lại”. Cháu nói rằng mình rất nhớ bố và mong bố mau khỏe để được trở về nhà.

Bố cô bé là anh Trần Văn An, SN 1993, được cứu sống nhờ lời cầu cứu tha thiết của mẹ cô bé trên trang fanpage của Bệnh viện Chợ Rẫy: “Các bác sĩ ơi hãy cứu giúp chồng em với! Chồng em đang điều trị COVID-19, giờ nguy kịch phải đặt ống nội khí quản, nguy cơ tử vong… Giờ hai mẹ con em ở đây không biết phải làm sao để cứu chồng em. Mười ngày rồi giờ nghe tin mà đứt ruột đứt gan. Em van xin khẩn cầu các bác sĩ cứu giúp chồng em với…”. Anh An sau đó đã được chuyển đến Bệnh viện Hồi sức COVID-19 trong tình trạng rất nguy kịch và được cứu sống một cách ngoạn mục.

Cuộc chiến sinh tử trong phòng ICU -0
Các bác sĩ làm việc căng thẳng, không còn khái niệm thời gian.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều ca bệnh nguy kịch được cứu sống trong đợt dịch này. Để hạn chế tử vong, Bộ Y tế đã thiết lập 11 Trung tâm Hồi sức tích cực tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Bệnh viện Hồi sức COVID-19 là tầng cao nhất trong tháp điều trị 3 tầng ở TP Hồ Chí Minh. Vào thời gian cao điểm, bệnh viện tiếp nhận từ 80-100 bệnh nhân nặng/ngày từ các bệnh viện tầng 2 chuyển lên, trong đó nhiều bệnh nhân đặt nội khí quản sớm, tổn thương phổi nguy kịch; rất nhiều trường hợp bệnh nhân không kiểm soát được oxy máu phải can thiệp ECMO.

BS Trần Thanh Linh cho biết, Bệnh viện có 3 khu vực điều trị bệnh nhân nặng, khu vực nặng nhất là chạy ECMO, sau đến khu ICU I có hơn 20 bệnh nhân và ICU 2b có hơn 40 bệnh nhân thở máy. Chủ lực là bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy, ngoài ra còn có lực lượng y bác sĩ chi viện của Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Bệnh viện K, Bệnh viện E, Viện Tim TP Hồ Chí Minh và đoàn bác sĩ của Hải Phòng, Thanh Hóa…vào hỗ trợ mới có thể vận hành được Bệnh viện Hồi sức 1.000 giường.

Hơn 4 tháng chiến đấu với đợt dịch khốc liệt nhất từ trước đến nay, đã có nhiều bác sĩ, nhân viên kiệt sức vì mỏi mệt, mất nước nghiêm trọng khi làm việc từ 8-10 tiếng không uống nước. Họ không biết hôm nay là thứ mấy, không có ngày nghỉ, không còn khái niệm thời gian nữa. Dù mệt nhọc tới đâu, việc cứu sống bệnh nhân, hồi sinh từng nhịp tim, từng hơi thở cho người bệnh vẫn là trên hết. 

Trong 3 tuần qua, số ca tử vong do COVID-19 ở nước ta đã giảm dần, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. BS Trần Thanh Linh cho biết: Chúng tôi đã cứu sống thành công rất nhiều bệnh nhân nguy kịch, đây là động lực để các thầy thuốc tiếp tục chặng đường phía trước.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

  Đừng tát nước theo mưa Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, trong đó có việc ủng hộ tiền, vật chất cho đồng bào bị lũ lụt. Vì thế, việc Ủy ban Trung ương   MTTQ Việt Nam (MTTQ) đăng công khai 12.028 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 với tổng số tiền 527,7 tỷ đồng, tính đến 17h ngày 12/9 được dư luận đánh giá rất cao; cho đây là hành động công khai, minh bạch, kịp thời truyền tải được tình cảm của người dân Việt Nam với đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Về phía MTTQ Việt Nam, thông qua sự kiện, đơn vị cũng kỳ vọng các tổ chức cá nhân khác tiếp nhận ủng hộ …, cũng làm tương tự, công khai kết quả tiếp nhận, sao kê. Thế nhưng, sau khi bản sao kê được đăng tải công khai, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều luồng thông tin trái chiều. Một số người bức xúc phát hiện dấu hiệu nghi vấn gian dối khi đối chiếu thông tin công khai trước đó của một số nghệ sĩ nổi tiếng, tổ chức, doanh nghiệ...
  Lực lượng Công an đấu tranh hiệu quả với tội phạm có tổ chức; tội phạm tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp Việc tăng cường Công an xã chính quy và lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở góp phần giáo dục, quản lý chặt chẽ hơn nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội cao, đối tượng có liên quan đến ma tuý; chủ động phát hiện, giải quyết sớm các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ đầu và tại cơ sở Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 37, sáng 13/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao năm 2024. Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an dự, báo cáo công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm và vi phạm pháp luật Trình bày báo cáo thẩm tra các báo cáo trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, v...
  Nhận diện mưu đồ chống phá đất nước núp bóng “công đoàn độc lập” Những năm gần đây, để thực hiện mưu đồ đen tối, các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu ra sức gia tăng hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước ta trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi lên là vấn đề liên quan đến dân chủ, nhân quyền và người lao động. Lợi dụng quy định của pháp luật cho phép thành lập tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, những đối tượng cơ hội chính trị dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn lôi kéo, kích động công nhân và người lao động tăng cường các hoạt động bất hợp tác với người sử dụng lao động, đòi thành lập cái gọi là “công đoàn độc lập” nhằm mưu đồ hình thành tổ chức chính trị đối lập để chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất an ninh xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Thủ đoạn ráo riết của các thế lực thù địch thực hiện thời gian qua là ra sức tuyên truyền tô vẽ để đề cao các tổ chức xưng danh “công đoàn độc lập Việt Nam để bảo vệ...