Chuyển đến nội dung chính

 

Chỉ đứt gãy một mắt xích trong phòng, chống dịch, cái giá phải trả sẽ rất lớn!

Lần đầu tiên Việt Nam lập kỷ lục khi ghi nhận hơn 11,3 nghìn ca mắc COVID-19 vào ngày 21/8 sau khi TP Hồ Chí Minh trải qua hơn 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội; hơn 1 tháng các tỉnh phía Nam và gần 1 tháng Thủ đô Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Hệ thống y tế của Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á đang đứng trước khó khăn lớn nhất trong lịch sử khi đang phải đối mặt với đợt dịch vô cùng khủng khiếp của biến thể Delta hoành hành trên toàn cầu.

Việt Nam cần phải có chiến lược và giải pháp tiếp theo như thế nào cả về điều trị, xét nghiệm, phong tỏa, cách ly, tiêm vaccine… để ứng phó với những diễn biến ngày một phức tạp của đại dịch COVID-19?

Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề này.

4 (11).jpg -0

PGS.TS Trần Đắc Phu. 

PV: Ông đánh giá như thế nào về những thay đổi trong chiến lược điều trị bệnh nhân COVID-19 hiện nay?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Như chúng ta đã biết, biến thể Delta lây lan rất mạnh, chỉ trong một thời gian ngắn đã lan ra khắp thế giới, đặc biệt là các nước Đông Nam Á chứng kiến đợt dịch vô cùng khủng khiếp; kể cả các nước có nền kinh tế tương đồng và khả năng chống dịch tương đồng như Thái Lan cũng đang phải đối mặt với số ca mắc và tử vong cao chưa từng có. Đặc biệt Trung Quốc trong nhiều tháng giữ được thành quả chống dịch nhưng biến thể Delta đã làm dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở một số tỉnh.

Tại Việt Nam, dịch diễn biến hết sức phức tạp ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận. Khi số mắc cao, số ca phải nhập viện sẽ nhiều hơn, số người bệnh tử vong cũng cao hơn. Rõ ràng, chúng ta không thể sử dụng giải pháp như cũ, là tất cả các ca F0 đều được đi viện và điều trị theo dõi sức khỏe, kể cả tuyến trung ương cũng tiếp nhận những ca F0 không triệu chứng.

Tình hình dịch hiện nay, chúng ta phải thay đổi chiến lược điều trị, đó là phân tầng điều trị, phân loại bệnh nhân và phân loại cơ sở điều trị cho hợp lý. Những bệnh nhân nhẹ bố trí điều trị ở cơ sở y tế có trang thiết bị không cần hiện đại, không cần cấp cứu hiện đại, nhân viên y tế tuyến huyện cũng điều trị được, thậm chí F0 cũng được điều trị tại nhà.

Những bệnh nhân nặng, nguy cơ tử vong, phải thở máy… thì phải đưa vào điều trị ở tầng cao nhất, để làm sao bệnh nhân nặng được tiếp cận trang thiết bị hiện đại, hợp lý, cũng như được đội ngũ bác sĩ giỏi, bác sĩ có kinh nghiệm trong hồi sức cấp cứu điều trị.

Tôi cho rằng chiến lược điều trị hiện nay rất hiệu quả, hợp lý và khoa học; làm giảm được bệnh nhân nhẹ và không để bệnh nhân nhẹ chuyển thành bệnh nhân nặng, không để lãng phí máy móc, nhân lực, lại ưu tiên cho những người nặng, hạn chế tử vong. Nhờ việc phân tuyến điều trị nên bệnh nhân nặng được can thiệp một cách kịp thời và hợp lý.

 

PV: Ông nhận định như thế nào về tình hình dịch trong những ngày tới? Vì sao TP Hồ Chí Minh lại giảm từ tháp điều trị 5 tầng xuống còn 3 tầng?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Dịch còn tiếp tục diễn phức tạp và kéo dài, bởi biến chủng Delta vẫn còn tồn tại ở Việt Nam cũng như trên thế giới, chủng này lây lan rất nhanh, chỉ sơ suất không thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, không thực hiện tốt các biện pháp giãn cách đối với những tỉnh đang có dịch xâm nhập thì dịch sẽ bùng lên rất nhanh.

Hiện nay, cơ bản một số tỉnh có biện pháp chống dịch khả quan như tạo được nhiều hơn vùng xanh, khống chế được dịch trên từng địa bàn trong tỉnh. Các địa phương đang rất quyết liệt trong chống dịch, giảm tỷ lệ mắc và giảm tử vong, đặc biệt là đang phấn đấu tăng số lượng người bệnh được tiếp cận với dịch vụ y tế để giảm tử vong.

TP Hồ Chí Minh phân tầng điều trị từ tháp 5 tầng xuống còn 3 tầng là để phù hợp với tình hình hiện nay, tập trung nguồn lực, đáp ứng điều trị bệnh nhân nặng. Hiện nay TP đang thí điểm áp dụng điều trị F0 tại nhà kết hợp với các điều kiện đảm bảo an sinh.

Đây được coi là tầng 1, tầng này là các F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, điều trị tại nhà hoặc các điểm cách ly của quận, huyện…

Tầng 2 là thu dung các trường hợp cấp cứu, bệnh nhẹ, trung bình đến nặng. Còn tầng 3 là chuyên hồi sức chuyên sâu cho các trường hợp F0 nặng, nguy kịch. Việc rút bớt phân tầng như vậy để tập trung nguồn lực cứu chữa bệnh nhân nặng, giảm nguy cơ tử vong.

Chỉ đứt gãy một mắt xích trong phòng, chống dịch, cái giá phải trả sẽ rất lớn! -0

 Công an TP Hà Nội kiểm soát các phương tiện lưu thông trên đường trong những ngày giãn cách xã hội. (Ảnh: Chiến Thắng).

PV: Là chuyên gia về dịch tễ, ông nhận định về tình hình dịch ở Hà Nội hiện nay có thực sự đáng lo ngại không? Thủ đô cần lưu ý điều gì để công tác chống dịch đem lại hiệu quả cao nhất?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Sau khi Hà Nội có cách làm xét nghiệm miễn phí cho tất cả các trường hợp sốt, ho, mất khứu giác trong ngày đã phát hiện ra các ca bệnh, tuy số lượng không nhiều nhưng nằm rải rác ở các quận, huyện, đây là điều rất đáng quan tâm, chứng tỏ dịch lan rộng trong cộng đồng. Những trường hợp sốt là phần nổi của “tảng băng chìm”, chứng tỏ trong cộng đồng vẫn còn những ca bệnh. Qua theo dõi, dịch đã đi vào những chuỗi lây nhiễm như chợ, siêu thị, nhà máy, cộng đồng và bệnh viện.

Tôi cho rằng, dịch bệnh của Hà Nội vẫn còn kiểm soát được, vì gần đây nhất Hà Nội tiến hành xét nghiệm trên diện rộng hàng trăm nghìn mẫu, số dương tính không phải là nhiều. Tôi vẫn luôn nhấn mạnh, những ca bệnh còn lẩn khuất trong cộng đồng rất quan trọng, nếu chúng ta không thực hiện tốt các biện pháp thì vẫn lây lan và vẫn bùng phát lên, nhất là biến chủng Delta này.

Hà Nội đợt tới phải tiếp tục thực hiện một số giải pháp, nhưng giải pháp quan trọng là không được chủ quan. Thứ nhất phải thực hiện giãn cách hết sức nghiêm ngặt cho đến hết đợt này. Giãn cách càng nghiêm ngặt thì càng ngăn cản được người bệnh lây cho người lành; càng nghiêm ngặt thì mới giải quyết được hết các ca bệnh còn lẩn khuất trong cộng đồng.

Thứ hai, Hà Nội phải tạo ra nhiều vùng xanh hơn nữa. Vừa qua Hà Nội đã có kinh nghiệm tạo ra vùng xanh để người dân tự quản. Nhưng tạo ra nhiều vùng xanh không phải chỉ là để ngăn cản người ra người vào mà bên cạnh đó phải tạo ra nếp sống an toàn như: Người dân an toàn, gia đình an toàn, cơ quan an toàn, chợ an toàn, nhà máy an toàn, cửa hàng an toàn…, để tạo thành khu phố, thôn xóm an toàn, xã phường an toàn, quận huyện an toàn mới tiến tới Thủ đô an toàn.

Người dân cần thực hiện nghiêm ngặt biện pháp 5K, đây là biện pháp rất quan trọng trong việc cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Nhiều trường hợp trước đây chỉ phát hiện ra dịch nhưng không phát hiện ra F0, sau đó không có tiếp những ca F1 bị nữa, đây là do thực hiện tốt 5K.

PV: Vậy với đợt giãn cách thứ ba đến ngày 6/9, Hà Nội cần chú trọng giải pháp gì, thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Hà Nội nên triển khai xét nghiệm diện rộng có chỉ định, đó là xét nghiệm đối tượng có nguy cơ, địa bàn nguy cơ, không xét nghiệm tràn lan để không gây tốn kém trong lúc chúng ta còn khó khăn. Hà Nội xét nghiệm tìm F0 để vét F0 ra khỏi cộng đồng, nhưng quan trọng hơn cả là qua xét nghiệm để đánh giá được nguy cơ tình hình dịch của Thủ đô, từ đó có đánh giá lại và có các giải pháp đáp ứng kịp thời tiếp theo.

Tuy nhiên, nên xác định xét nghiệm chỉ là thời điểm hiện tại, còn khi mở cửa, di biến động ra vào tăng, Hà Nội vẫn có khả năng bùng dịch. Hà Nội đã gần thực hiện xong đợt giãn cách thứ hai, và đang bước vào đợt giãn cách thứ 3, sau đợt này, nếu bỏ giãn cách cần căn cứ các yếu tố khác như xã hội, giao lưu, đi lại…, nên cần có những bước nới lỏng thận trọng. Hà Nội vẫn còn ghi nhận vài chục ca mắc/ngày, nếu bỏ giãn cách tổng thể để dịch xâm nhập sẽ rất nguy hiểm. Do đó, chúng ta sẽ nới lỏng dần dần, phải tính toán nới khu nào, nới hoạt động gì. Vùng nào đang phong tỏa do có nguy cơ cao thì cần tiếp tục phong tỏa chặt.

Trong lúc số ca bệnh của Hà Nội chưa nhiều, TP nên áp dụng với xét nghiệm PCR mẫu gộp, không nên sử dụng test nhanh kháng nguyên vì test kháng nguyên chỉ áp dụng ở địa bàn có nguy cơ tiên lượng có nhiều ca lây nhiễm. Tôi khuyến cáo khi xét nghiệm không vì chạy theo số lượng mà lấy mẫu về không trả kết quả trong ngày, bởi có trường hợp ngày hôm nay âm tính, nhưng ngày mai lại dương tính, nếu không trả kết quả trong 24 giờ thì không có những can thiệp chống dịch kịp thời.

Đặc biệt người dân đi xét nghiệm cần thực hiện tốt 5K để không lây nhiễm lẫn nhau. Nhân viên y tế lấy mẫu phải thực hiện đúng kỹ thuật, chống nhiễm khuẩn chéo, chống làm lây nhiễm từ người này sang người khác.

Tôi lưu ý, người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, nhất là biến chủng Delta. Hà Nội cần chuẩn bị sẵn phương án điều trị, bố trí phân tầng điều trị sao cho hợp lý, chuẩn bị sẵn cơ sở điều trị, cơ sở hồi sức tích cực, nếu dịch diễn biến phức tạp, khi có đông bệnh nhân, chúng ta không bị vỡ trận hệ thống y tế, giảm thấp nhất người bệnh nặng và tử vong. 

PV: Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là “thời điểm vàng” để Hà Nội tiêm vaccine cho người dân tạo miễn dịch cộng đồng. Theo ông, việc lựa chọn đối tượng ưu tiên tiêm vaccine ở Hà Nội đã hợp lý chưa?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Một trong những giải pháp phòng chống dịch rất cần thiết của Hà Nội lúc này là phải tổ chức tiêm vaccine, tiêm vaccine càng nhiều càng tốt, càng sớm càng tốt để tạo miễn dịch cộng đồng. Tôi cũng đồng ý đây là “thời điểm vàng” của Hà Nội để tiêm vaccine khi dịch chưa bùng phát mạnh, trong thời gian giãn cách người dân có điều kiện đi tiêm thuận lợi hơn.

Hà Nội cần đặc biệt ưu tiên tiêm cho đối tượng người già, người bệnh nền, đội ngũ vận chuyển hàng hóa, shipper… để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Trong điều kiện lượng vaccine còn hạn chế, yêu cầu đặt ra là vừa phải linh hoạt, vừa đảm bảo công bằng.

Mặc dù vaccine hiện nay ngăn cản khả năng lây truyền bệnh, nhưng vaccine bảo vệ cho người được tiêm thời gian bao lâu vẫn còn đang tiếp tục nghiên cứu. Nhưng một điều chắc chắn là tiêm vaccine COVID-19 đã giảm triệu chứng cho những người mắc COVID-19, giảm tỷ lệ tử vong và giảm số người nhập viện điều trị. Vì vậy, ở thời điểm vaccine còn khan hiếm, người dân không nên lựa chọn vaccine, bởi các vaccine được cấp phép đều hiệu quả an toàn và đã được tiêm ở nhiều nước trên giới.

PV: Hiện năng lực sản xuất kit test của Việt Nam có đủ để đáp ứng mở rộng xét nghiệm cho toàn dân tại những địa phương đang giãn cách theo Chỉ thị 16 hay không?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Việt Nam là quốc gia đã sớm sản xuất được test kit để phòng chống dịch COVID. Hiện nay chúng ta cũng đã đáp ứng được lượng sinh phẩm kit test cho việc xét nghiệm tại Việt Nam. Nhưng kit test mà chúng ta đang sử dụng từ nhiều nguồn khác nhau, kit test nhập khẩu và kit test của các nhà sản xuất trong nước. Phải khẳng định rằng hiện nay chúng ta không thiếu sinh phẩm kit tets cho xét nghiệm.

PV: Đợt dịch lần này đã kéo dài gần 4 tháng, để có thể sớm khống chế dịch, đưa cuộc sống trở bình thường, chúng ta cần phải có những giải pháp và khuyến cáo gì tiếp theo?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Vừa qua có nhiều sáng kiến ở cộng đồng trong phòng, chống dịch. Tất cả các địa phương nơi có dịch và nơi không có dịch, toàn hệ thống chính trị và người dân phải cùng vào cuộc, nếu chỉ đứt gãy một mắt xích nào trong phòng, chống dịch, sẽ phải trả một cái giá rất lớn. Hoặc chỉ làm sai một yếu tố nào, từ phát hiện, truy vết, phong tỏa hay điều trị cũng sẽ phải trả giá do số người mắc tăng lên hoặc số tử vong tăng lên.

Vừa qua một số địa phương vẫn được Trung ương giúp đỡ, nhưng tôi cho rằng, nếu diễn biến dịch phức tạp, mỗi địa phương phải chuẩn bị tự lập “4 tại chỗ”, phải chuẩn bị sẵn kịch bản cụ thể cho việc dịch diễn biến phức tạp, để không bị động, bất ngờ, nhưng vẫn phải tôn trọng giải pháp: Ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng – dập dịch - điều trị một cách hiệu quả. Địa phương nào dịch đang phức tạp phải đặt ưu tiên chống dịch lên hàng đầu, địa phương nào dịch không phức tạp thì ưu tiên phát triển kinh tế để lấy kinh tế chống dịch.

Một biện pháp nữa là người dân không được chủ quan, lơ là chống dịch. Phải chấp hành nghiêm các chỉ đạo của Chính Phủ, của Bộ Y tế từ phòng chống dịch, tuân thủ 5K đến tiêm vaccine. Tôi cho rằng chúng ta cần tạo ra được cách sống mới trong tình hình dịch còn đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

  Đừng tát nước theo mưa Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, trong đó có việc ủng hộ tiền, vật chất cho đồng bào bị lũ lụt. Vì thế, việc Ủy ban Trung ương   MTTQ Việt Nam (MTTQ) đăng công khai 12.028 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 với tổng số tiền 527,7 tỷ đồng, tính đến 17h ngày 12/9 được dư luận đánh giá rất cao; cho đây là hành động công khai, minh bạch, kịp thời truyền tải được tình cảm của người dân Việt Nam với đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Về phía MTTQ Việt Nam, thông qua sự kiện, đơn vị cũng kỳ vọng các tổ chức cá nhân khác tiếp nhận ủng hộ …, cũng làm tương tự, công khai kết quả tiếp nhận, sao kê. Thế nhưng, sau khi bản sao kê được đăng tải công khai, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều luồng thông tin trái chiều. Một số người bức xúc phát hiện dấu hiệu nghi vấn gian dối khi đối chiếu thông tin công khai trước đó của một số nghệ sĩ nổi tiếng, tổ chức, doanh nghiệ...
  Lực lượng Công an đấu tranh hiệu quả với tội phạm có tổ chức; tội phạm tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp Việc tăng cường Công an xã chính quy và lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở góp phần giáo dục, quản lý chặt chẽ hơn nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội cao, đối tượng có liên quan đến ma tuý; chủ động phát hiện, giải quyết sớm các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ đầu và tại cơ sở Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 37, sáng 13/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao năm 2024. Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an dự, báo cáo công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm và vi phạm pháp luật Trình bày báo cáo thẩm tra các báo cáo trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, v...
  Nhận diện mưu đồ chống phá đất nước núp bóng “công đoàn độc lập” Những năm gần đây, để thực hiện mưu đồ đen tối, các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu ra sức gia tăng hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước ta trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi lên là vấn đề liên quan đến dân chủ, nhân quyền và người lao động. Lợi dụng quy định của pháp luật cho phép thành lập tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, những đối tượng cơ hội chính trị dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn lôi kéo, kích động công nhân và người lao động tăng cường các hoạt động bất hợp tác với người sử dụng lao động, đòi thành lập cái gọi là “công đoàn độc lập” nhằm mưu đồ hình thành tổ chức chính trị đối lập để chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất an ninh xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Thủ đoạn ráo riết của các thế lực thù địch thực hiện thời gian qua là ra sức tuyên truyền tô vẽ để đề cao các tổ chức xưng danh “công đoàn độc lập Việt Nam để bảo vệ...