Chuyển đến nội dung chính

 

Hiện thực bác bỏ luận điệu vu cáo “Tự do báo chí”

Đã trở thành quy luật, vào các dịp ngày Tự do báo chí thế giới (3/5) hay kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), một số cá nhân, tổ chức, đài báo tiếng Việt ở nước ngoài có quan điểm, tư tưởng chống phá Việt Nam như Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF), Tổ chức Bảo vệ ký giả (CPJ), Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), Ngôi nhà tự do (Freedom House), Đài Á châu tự do (RFA)... lại đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam “đàn áp tự do ngôn luận, tự do báo chí”.

Bên cạnh đưa ra bảng xếp hạng về cái gọi là “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí” trong các bản báo cáo, phúc trình, họ còn vu cáo Việt Nam đàn áp, bắt, xử lý các nhà báo vi phạm pháp luật và đạo đức người làm báo, đồng thời gây sức ép đòi cơ quan chức năng Việt Nam trả tự do đối với các nhà báo trên.

Hằng năm, một số tổ chức còn tiến hành trao “giải thưởng tự do báo chí” cho một số nhà báo vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức người làm báo. Những cái tên như Trương Duy Nhất, Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng… cũng đã không ít lần được “vinh danh” ở những giải thưởng này.

Bản chất những người nhân danh “nhà báo độc lập” hay “báo sạch”!

Trong các bản tường trình hay báo cáo và các bài viết vu cáo Việt Nam đàn áp tự do báo chí, bắt, giam giữ các nhà báo được một số cá nhân, tổ chức không có thiện chí đăng tải trong thời gian qua, những cái tên trong “Hội nhà báo độc lập” như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn hay các đối tượng trong nhóm “Báo sạch” như Trương Châu Hữu Danh được nhắc đến rất nhiều.

Đối với Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn được biết đến là những thành viên trong tổ chức tự xưng có tên “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” (được thành lập vào năm 2014 với mục tiêu đấu tranh, làm thay đổi thể chế chính trị Việt Nam), trong đó Phạm Chí Dũng là chủ tịch, Nguyễn Tường Thụy là phó phụ trách chi hội miền Bắc.

Dưới vỏ bọc của tổ chức “Hội Nhà báo độc lập”, các đối tượng trên đã đăng tải nhiều bài viết có nội dung tuyên truyền, phỉ bảng chính quyền nhân dân, bôi nhọ, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Bản án 15 năm tù giam, 3 năm quản chế tại địa phương đối với Phạm Chí Dũng; 11 năm tù giam, 3 năm quản chế tại địa phương đối với Nguyễn Tường Thụy; 11 năm tù giam, 3 năm quản chế đối với Lê Hữu Minh Tuấn cùng về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” được TAND thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt tại phiên tòa sơ thẩm ngày 5-1-2021 là thích đáng cho những người coi thường pháp luật, chống phá đất nước. 

Đối với Trương Châu Hữu Danh và Đoàn Kiên Giang, Nguyễn Thanh Nhã, Nguyễn Phước Trung Bảo trong nhóm “Báo sạch” thì ngày 16/6/2021, Viện KSND thành phố Cần Thơ chuyển trả toàn bộ hồ sơ vụ án đến cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Cần Thơ  đề nghị điều tra bổ sung, làm rõ hành vi của một số đối tượng có liên quan đến vụ án.

Sau đó trên trang RFA đã đăng tải bài viết “Nhóm “Báo sạch” bị điều tra về cáo buộc cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” và vu cáo “Việc bắt giữ bốn nhà báo nằm trong xu thế đáng lo ngại đối với Việt Nam”, đồng thời kêu gọi cơ quan chức năng “trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ một cách bất công, cho phép tất cả mọi công dân được bày tỏ quan điểm một cách tự do và không sợ bị trả thù”.

Trên thực tế, Trương Châu Hữu Danh cùng đồng phạm đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để đăng tải những bài viết, video, hình ảnh trên các trang cá nhân Facebook, nhóm "Báo sạch" và kênh Youtube BS Chanel liên quan đến các vụ việc xảy ra tại TP Cần Thơ và một số địa phương khác với những nội dung xuyên tạc sự thật, vu cáo, chống phá và trục lợi cá nhân. Trương Châu Hữu Danh và đồng phạm còn chia sẻ, trao đổi, tàng trữ 9 tài liệu “mật” và “tối mật” liên quan một số vụ án.

Với những hành vi trên, Trương Châu Hữu Danh bị khởi tố, bắt giam để điều tra về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hay bí mật Nhà nước” và dư luận đang chờ bản án nghiêm khắc đối với những kẻ mang danh “Báo sạch” để phạm tội.

Việc các cơ quan chức năng xử lý các đối tượng đã lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí vi phạm quyền và lợi ích của Nhà nước và công dân theo pháp luật như các thành viên trong “Hội Nhà báo độc lập”, “Báo sạch”... là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế. 

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do báo chí của mọi công dân

Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được Liên hợp quốc và pháp luật của nhiều quốc gia phát triển như Pháp, Anh, Mỹ quy định cụ thể. Trong bản“Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền Pháp năm1789”, vấn đề tự do báo chí được trình bày như là một trong những quyền cơ bản: “Bất kỳ công dân nào cũng có thể nói, viết và công bố tự do; tuy nhiên, họ sẽ chịu trách nhiệm nếu lạm dụng quyền tự do này theo quy định của pháp luật” (Điều 11).

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 tại khoản 1, Điều 19 quy định rõ: “Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp” và khoản 2, Điều 22 quy định: “Việc thực hiện quyền này không bị hạn chế, trừ những hạn chế do pháp luật quy định và là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hay các quyền và tự do của người khác”.

Ở Pháp, trong tiến trình cách mạng 1789, tự do báo chí đã được đề cập tại Ðiều 11, Tuyên bố dân quyền và nhân quyền. Sau này, đạo luật 1881 về tự do báo chí cũng được ban hành trong nền cộng hòa thứ ba vào ngày 29/7/1881 và đã nêu rõ các giới hạn trong tự do báo chí vì sự lạm dụng tự do, cụ thể là đưa ra các định nghĩa về tội phạm báo chí và đến nay đạo luật này vẫn còn giá trị.

Ở Anh, tất cả các bài phát biểu miệng hay đăng báo với mục đích làm mất tín nhiệm hoặc kích động chống lại chủ quyền, chính phủ, hiến pháp, bất cứ viện nào hoặc hệ thống tòa án, kích động sự bất bình hay sự công phẫn giữa các công dân của Nữ hoàng, sự hận thù giữa các giai cấp của các công dân đó… đều bị coi là vi phạm pháp luật.

Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của mọi công dân và cũng như các quốc gia khác, để giữ gìn kỷ cương và bảo đảm sự ổn định để phát triển, Nhà nước Việt Nam không cho phép lợi dụng những quyền này để tuyên truyền, kích động lật đổ chính quyền, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán quan điểm tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do báo chí. Trên cơ sở nội luật hóa pháp luật quốc tế về quyền tự do báo chí, Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định “người dân có quyền tự do báo chí và được pháp luật bảo đảm thực hiện”. Các bản Hiến pháp sau này đều kế thừa và phát triển nội dung của Hiến pháp năm 1946 về quyền tự do báo chí.

Điều 25, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” và khẳng định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Quy định này cũng được thể chế trong nhiều văn bản pháp luật Việt Nam, như Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017; Luật Báo chí năm 2016...

Ở Việt Nam, báo chí thực sự trở thành cầu nối giữa “ý Đảng, lòng dân”, tạo đồng thuận xã hội, thúc đẩy công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; là phương tiện để người dân kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật và đóng góp ý kiến phản biện đối với các chính sách, pháp luật của Nhà nước; là công cụ bảo vệ lợi ích xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Theo số liệu tại Hội nghị báo chí toàn quốc năm 2020, đến cuối năm 2020, cả nước ta có 41.000 nhân sự đang tham gia hoạt động; 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập; 72 cơ quan được cấp phép hoạt động phát thanh, truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình. Đó là minh chứng sinh động cho việc bảo đảm quyền tự do báo chí ở Việt Nam, phản bác luận điệu vu cáo Nhà nước Việt Nam đàn áp tự do báo chí, tự do ngôn luận.

Chúng ta khuyến khích tự do báo chí vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và nhân dân. Và lẽ tất nhiên, chúng ta không thể chấp nhận việc lợi dụng tự do báo chí, tự do Internet, tự do ngôn luận để gây mất ổn định, chống lại Tổ quốc và dân tộc, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, xâm phạm lợi ích của công dân.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

  Đừng tát nước theo mưa Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, trong đó có việc ủng hộ tiền, vật chất cho đồng bào bị lũ lụt. Vì thế, việc Ủy ban Trung ương   MTTQ Việt Nam (MTTQ) đăng công khai 12.028 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 với tổng số tiền 527,7 tỷ đồng, tính đến 17h ngày 12/9 được dư luận đánh giá rất cao; cho đây là hành động công khai, minh bạch, kịp thời truyền tải được tình cảm của người dân Việt Nam với đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Về phía MTTQ Việt Nam, thông qua sự kiện, đơn vị cũng kỳ vọng các tổ chức cá nhân khác tiếp nhận ủng hộ …, cũng làm tương tự, công khai kết quả tiếp nhận, sao kê. Thế nhưng, sau khi bản sao kê được đăng tải công khai, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều luồng thông tin trái chiều. Một số người bức xúc phát hiện dấu hiệu nghi vấn gian dối khi đối chiếu thông tin công khai trước đó của một số nghệ sĩ nổi tiếng, tổ chức, doanh nghiệ...
  Lực lượng Công an đấu tranh hiệu quả với tội phạm có tổ chức; tội phạm tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp Việc tăng cường Công an xã chính quy và lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở góp phần giáo dục, quản lý chặt chẽ hơn nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội cao, đối tượng có liên quan đến ma tuý; chủ động phát hiện, giải quyết sớm các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ đầu và tại cơ sở Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 37, sáng 13/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao năm 2024. Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an dự, báo cáo công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm và vi phạm pháp luật Trình bày báo cáo thẩm tra các báo cáo trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, v...
  Nhận diện mưu đồ chống phá đất nước núp bóng “công đoàn độc lập” Những năm gần đây, để thực hiện mưu đồ đen tối, các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu ra sức gia tăng hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước ta trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi lên là vấn đề liên quan đến dân chủ, nhân quyền và người lao động. Lợi dụng quy định của pháp luật cho phép thành lập tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, những đối tượng cơ hội chính trị dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn lôi kéo, kích động công nhân và người lao động tăng cường các hoạt động bất hợp tác với người sử dụng lao động, đòi thành lập cái gọi là “công đoàn độc lập” nhằm mưu đồ hình thành tổ chức chính trị đối lập để chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất an ninh xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Thủ đoạn ráo riết của các thế lực thù địch thực hiện thời gian qua là ra sức tuyên truyền tô vẽ để đề cao các tổ chức xưng danh “công đoàn độc lập Việt Nam để bảo vệ...