GÓP PHẦN NHẬN THỨC ĐÚNG VỀ LUẬN ĐIỂM CỦA C.MÁC: KHOA HỌC TRỞ THÀNH LỰC LƯỢNG SẢN XUẤT TRỰC TIẾP
Hơn 100 năm trước, Trong Phê phán khoa kinh tế chính trị, bản sơ thảo đầu tiên của bộ Tư bản, C.Mác viết: “Sự phát triển của tư bản cố định là chỉ số cho thấy tri thức xã hội phổ biến đã chuyển hoá đến mức độ nào thành lực lượng sản xuất trực tiếp…”[1]. Hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau về luận điểm của C.Mác, điều đó cần phải được làm sáng tỏ cả về lý luận và thực tiễn.
Theo C.Mác, tri thức (khoa học) đã làm cho tư bản cố định (nhà máy, máy móc, công cụ… được dùng trong sản xuất) chuyển hoá đến mức độ nhất định nào đó thì trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Mức độ đó là khi tri thức khoa học được ứng dụng, được vật hóa thành tư bản cố định và được người lao động sử dụng trong quá trình sản xuất. C.Mác nhận định: “Sự phát triển của hệ thống máy móc trên con đường ấy chỉ bắt đầu khi nền đại công nghiệp đã đạt được một trình độ phát triển cao hơn và tất cả các môn khoa học đều được phục vụ tư bản, còn bản thân hệ thống máy móc hiện có thì có những nguồn lực to lớn. Như vậy, phát minh trở thành một nghề đặc biệt và đối với nghề đó thì việc vận dụng khoa học vào nền sản xuất trực tiếp tự nó trở thành một trong những yếu tố có tính chất quyết định”[2]. C.Mác dự báo: “Theo đà phát triển của đại công nghiệp, việc tạo ra của cải thực sự trở nên ít phụ thuộc vào thời gian lao động và số lượng lao động đã chi phí hơn là vào sức mạnh của những tác nhân được khởi động trong thời gian lao động, và bản thân những tác nhân ấy, đến lượt chúng (hiệu quả to lớn của chúng) tuyệt đối không tương ứng với thời gian lao động trực tiếp cần thiết để sản xuất ra chúng, mà đúng ra chúng phụ thuộc vào trình độ chung của khoa học và vào sự tiến bộ của kỹ thuật, hay là phụ thuộc vào việc ứng dụng khoa học ấy vào sản xuất”[3].
Từ chỗ là lực lượng sản xuất tiềm năng, ngày nay, khoa học và công nghệ đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Bước chuyển này không phải là ngẫu nhiên, mà chỉ có thể diễn ra trong những điều kiện nhất định hay “một trình độ phát triển nào đó” như C.Mác đã dự đoán. Vậy, những điều kiện đó là gì?
Điều kiện đầu tiên phải thuộc về sản xuất: nền sản xuất xã hội phải đạt đến một trình độ phát triển cao, tạo cơ hội và địa bàn để khoa học và công nghệ phát huy vai trò là lực lượng sản xuất trực tiếp của mình. Trong những nền sản xuất xã hội còn ở trình độ phát triển thấp trước đây, khoa học không thể trực tiếp đi vào sản xuất, mà phải trải qua khâu trung gian thực nghiệm khoa học, nhiều khi kéo dài hàng trăm năm. Tri thức khoa học phải thông qua một quá trình thực nghiệm khoa học lâu dài, phức tạp, con người mới tìm ra cách vận dụng những thành tựu thu được qua thực nghiệm đó vào sản xuất. Quá trình này thường diễn ra rất chậm chạp. Trong điều kiện như vậy, khoa học chỉ có thể biểu thị như một lực lượng sản xuất tiềm năng, chứ chưa thể trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Ngày nay, khi sản xuất xã hội đã đạt đến trình độ phát triển cao, nhất là ở các nước công nghiệp phát triển, chính sản xuất lại đặt ra những vấn đề mới, phức tạp, đòi hỏi khoa học phải có phương thức giải quyết phù hợp, kịp thời nhằm thúc đẩy sản xuất tiếp tục phát triển và qua đó, khoa học cũng phát triển theo. Như vậy, trong điều kiện xã hội ngày nay, sản xuất đã tạo ra những cơ sở vật chất - kỹ thuật quan trọng, những nhu cầu cấp thiết cho sự xuất hiện những tri thức khoa học mới, những ngành khoa học mới. Đến lượt mình, những tri thức khoa học mới lại được nhanh chóng vật hóa để trở thành công cụ sản xuất mới và trực tiếp tham gia vào các quá trình sản xuất. Ở đây, khoa học không phục vụ sản xuất một cách thụ động, mà tham gia một cách tích cực, chủ động và trở thành một yếu tố không thể thiếu được của lực lượng sản xuất nói riêng, của quá trình sản xuất xã hội nói chung. Do vậy, chỉ có đến lúc này, khoa học mới có đầy đủ điều kiện để trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.
Điều kiện thứ hai thuộc về sự phát triển của bản thân khoa học: khoa học phải đạt đến một trình độ phát triển cao đến mức đủ sức giải quyết những vấn đề cấp thiết do thực tiễn xã hội, đặc biệt là những vấn đề do thực tiễn sản xuất trực tiếp đặt ra. Trong nền khoa học hiện đại, không một vấn đề nào do sản xuất đặt ra mà tri thức của một ngành khoa học, thậm chí là của vài ngành khoa học cụ thể, có thể tự thân giải quyết được hoàn toàn. Bởi vậy, ngày nay, sự thống hợp khoa học, tổng hợp tri thức khoa học là xu hướng phát triển tất yếu của khoa học và điều này cũng hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của thực tiễn sản xuất hiện đại. Trong thời đại ngày nay, trong khoa học đang diễn ra quá trình tương tác mạnh mẽ giữa các khoa học, quá trình liên kết khoa học theo hướng tổng hợp tri thức của các khoa học hiện đại nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc do thực tiễn sản xuất và thực tiễn xã hội đặt ra, như vấn đề khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường sống, vấn đề phát triển bền vững, vấn đề hội nhập toàn cầu mà trước hết, là hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là những vấn đề về con người (tăng cường sức khỏe, phòng, chống bệnh tật, nâng cao tuổi thọ, và sự phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần của con người…). Bởi thế, sự phát triển của khoa học nói riêng, xã hội nói chung đều nhằm mục đích thỏa mãn những nhu cầu ngày càng cao của con người, phục vụ cho sự phát triển toàn diện của con người với tư cách một thực thể sinh học - xã hội, một thực thể sống hài hòa giữa môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Những khám phá mới của khoa học về con người, như làm rõ nguồn gốc và bản chất của con người, lập và giải mã bản đồ gien người, nhân bản vô tính người, làm rõ vai trò và chức năng của tế bào gốc ở người, trí tuệ nhân tạo, những khả năng còn tiềm ẩn ở con người, v.v. đang chứng tỏ rằng, con người không chỉ là chủ thể sáng tạo khoa học, chủ thể của quá trình sản xuất xã hội, của lịch sử, mà còn là đối tượng khai thác của khoa học và công nghệ hiện đại.
Điều kiện thứ ba để khoa học biến thành lực lượng sản xuất trực tiếp là sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi nước, nhất là ở các nước công nghiệp phát triển; là xu thế toàn cầu hóa, trước hết là toàn cầu hóa kinh tế trên cái nền của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là cách mạng công nghệ thông tin. Nhờ sự phát triển của công nghệ hiện đại, mà chủ đạo là công nghệ thông tin, những phát minh, những thành tựu mới của khoa học không còn là sở hữu riêng, độc quyền của các nhà khoa học hay của các nước có những phát minh đó; chúng đã nhanh chóng lan tỏa đi khắp thế giới và được ứng dụng kịp thời vào quá trình sản xuất xã hội ở nhiều nước khác nhau, bằng nhiều cách thức khác nhau, như chuyển giao công nghệ, nhượng quyền sử dụng, mua bán phát minh, sáng chế, thông qua các công ty liên quốc gia, v.v.. Trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay, WTO (Tổ chức Thương mại thế giới) đang giữ vai trò rất quan trọng. Chính sự liên minh, liên kết toàn cầu về kinh tế này đã tạo địa bàn, tạo cơ hội thuận lợi thúc đẩy khoa học nhanh chóng đi vào sản xuất, trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.
Điều kiện thứ tư để khoa học biến thành lực lượng sản xuất trực tiếp đó chính là sự thấm nhuần sâu sắc, dù dưới hình thức tự giác hay tự phát, nguyên lý triết học mácxít về sự thống nhất biện chứng giữa lý luận và thực tiễn, mà nếu ứng dụng vào quá trình sản xuất vật chất thì đó là sự thống nhất giữa hoạt động sản xuất vật chất và hoạt động khoa học. Theo nguyên lý về sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, thực tiễn sản xuất xã hội vừa là nguồn gốc, động lực, mục tiêu của nhận thức khoa học, vừa là tiêu chuẩn của chân lý. Thực tiễn sản xuất xã hội kiểm nghiệm tính đúng đắn của tri thức khoa học. Do vậy, việc khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp là con đường ngắn nhất, đáng tin cậy nhất để xác định độ chính xác, tính khoa học, tính chân lý của tri thức khoa học. Sự thống nhất giữa thực tiễn (hoạt động sản xuất xã hội) và lý luận (tri thức khoa học) là đặc trưng cơ bản của xã hội hiện đại, được xây dựng trên cơ sở của nền sản xuất hiện đại và nền khoa học tiên tiến.
Ngày nay, luận điểm của C.Mác về khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp đã dần trở thành hiện thực. Điều đó có được, một mặt, nhờ lôgíc phát triển nội tại của tri thức khoa học trải qua hàng chục thế kỷ và mặt khác, nhờ những điều kiện kinh tế - xã hội đã phát triển đến độ chín muồi. Đến lượt mình, việc khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp đã có tác động mạnh mẽ và có hiệu quả cao không chỉ đối với lĩnh vực sản xuất, mà đến tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự xuất hiện của công nghệ thông tin và kinh tế tri thức là những biểu hiện rõ ràng nhất, toàn diện và sâu sắc nhất của quá trình khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, đồng thời cũng khẳng định tính đúng đắn, khoa học trong luận điểm này của C.Mác. Việt Nam đang từng bước phát triển kinh tế tri thức; song, do xuất phát từ một trình độ khoa học và công nghệ còn thấp, nên để phát triển kinh tế tri thức, chúng ta cần phải chuẩn bị những điều kiện cần thiết về con người, về khoa học và công nghệ, về định hướng đầu tư và huy động nguồn lực tài chính vào phát triển khoa học và công nghệ, về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Nhận xét
Đăng nhận xét