Biển Đông - Mãi mãi trường tồn cùng Tổ Quốc
Đại tá Nguyễn Quý
Khi về Bộ, anh Luyện mới cho tôi biết là "Họ" đã định đưa giàn khoan vào Tư Chính. Ta đã chủ trương "Quyết chiến!", nên chắc "họ" đánh hơi thấy đi nửa đường đành quay đầu..."
LTS: Để độc giả hiểu hơn về ý nghĩa lớn lao của nhà giàn DK1 trong việc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, cũng như thêm hiểu và trân trọng công lao của những người đã đổ mồ hôi và cả máu để xây dựng và giữ vững cụm công trình này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của Đại tá Nguyễn Quý - Nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật - BC Công Binh, Trưởng ban DK1 đầu tiên.
---
Mấy ngày nay, giữa lúc cả nước đang tri ân các Anh hùng Liệt sĩ thì ngoài biển Tư Chínhlại nổi sóng. Nhiều tiếng nói chính nghĩa đanh thép đã vang lên trên mạng xã hội, trên báo chí, trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tuy nhiên cũng có những thông tin sai lệch do thiếu hiểu biết, do muốn đánh bóng tên tuổi, và có cả những kẻ cố tình xuyên tạc bóp méo sự thật với dụng ý xấu...
Nhiều đồng chí, đồng đội gọi điện cho tôi, giục: "Là người trong cuộc từ những ngày đầu xây dựng công trình DK1 với cương vị chủ trì nhiều năm, bây giờ là lúc anh cần lên tiếng..."
Thực lòng tôi rất ngại không muốn nói về mình vì theo tôi chứng kiến thì xây dựng thành công hệ thống công trình DK1 công đầu thuộc về Đô đốc Giáp Văn Cương, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Thượng tướng Đào Đình Luyện và sau đó là công lao của hàng vạn người đóng góp trí tuệ, công sức và xương máu của các liệt sĩ đã ngã xuống.
Nhưng theo yêu cầu của đồng chí, đồng đội, và để các thế hệ đi sau hiểu rõ hơn về một thành trì bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên biển, tôi xin phép tóm tắt kể lại khái quát sự ra đời DK1 trong đó có Tư Chính...
01.
Vạn sự khởi đầu nan
Với tầm nhìn chiến lược Đô đốc Giáp Văn Cương đã chỉ đạo Lữ đoàn 171 khảo sát trong thềm lục địa Nam Biển Đông nước ta có 6 bãi đá ngầm san hô có đỉnh nhô cao dưới mặt nước biển từ 9-50m.
Phía Bắc là Phúc Tần (160km2), Huyền Trân (40km2), phía Đông Nam là Ba Kè (1.000km2), phía Tây Nam là Tư Chính (700km2), nằm giữa Phúc Tần và Tư Chính là Phúc Nguyên (300km2) và Quế Đường (90km2).
Như thế, vùng biển DK1 (rộng khoảng 80.000km2) có vị trí đặc biệt quan trọng về An ninh -Quốc phòng, là rào chắn phía ngoài vùng khai thác dầu khí, khu vực rất giàu tài nguyên khoáng sản và tài nguyên biển, là tiền đồn phía Nam Trường Sa và nó án ngữ trên đường hàng hải quốc tế qua biển Đông.
Theo đề nghị của Tư lệnh Hải quân và Bộ Quốc phòng, Bộ Chính trị quyết định và ngày 17/10/1988, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã ký QĐ số 19/NQ-TW chủ trương tiến hành xây dựng các công trình trên tất cả các bãi đá ngầm với tên gọi "Trạm dịch vụ kinh tế - khoa học kỹ thuật..." ( gọi tắt là công trình DK1).
Ngày 05/7/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra Chỉ thị số 180/CT thực hiện, thành lập Ban Chỉ đạo DK1 do Phó Chủ tịch Trần Đức Lương làm Trưởng ban, phó ban là Thượng tướng Đào Đình Luyện và đồng chí Trương Thiên.
Đại diện các Bộ là Uỷ viên gồm các ồng chí Lê Danh, Hồ Tế, Khúc văn Thành, Phạm văn Huân, Lại văn Cử, Trần Văn Lự...
Quyết định của Chính phủ ngày 16/1/1989 yêu cầu: "Khẩn trương, bí mật, khoán gọn, vừa thiết kế vừa thi công, vừa là hợp đồng kinh tế, vừa là lệnh của Nhà nước phải hoàn thành hợp đồng với bất cứ giá nào, hoàn thành tốt sẽ được khen thưởng thích đáng..
Xây dựng xong trong Quý 3/1989 là ở Tư chính (DK1/1), ở Phúc Tần (DK1/3)và Ba Kè (DK1/4), quý 3/1990 là DK1/2...".
Theo chỉ đạo:
- Ban quản lý công trình dầu khí Vũng Tầu làm phần chân đế theo phương án móng cọc, thi công trên biển DK1/1.
- Viện Nghiên cứu thiết kế cơ khí GTVT làm phần hạ tầng theo phương án trọng lực (Ponton), thi công trên biển DK1/3, DK1/4.
- Bộ Quốc phòng giao cho BTL Công Binh và Tư lệnh Công binh giao cho tôi - Cục trưởng Cục Kỹ thuật làm Tổng chỉ huy các lực lượng thiết kế, sản xuất, thi công 4 thượng tầng và trang bị vũ khí, trang thiết bị theo biên chế. Chủ trì thiết kế là Viện kỹ thuật Công binh, sản xuất là Nhà máy X49.
Phát huy truyền thống trách nhiệm, cần cù, sáng tạo trong hoàn cảnh vừa thiết kế, vừa sản xuất, vừa chỉnh sửa, X49 lao động không kể ngày đêm hoàn thành một khối lượng khổng lồ hàng trăm tấn sắt thép "siêu trường, siêu trọng" với độ chính xác cao.
Kinh nghiệm làm Nhà cao chân Trường Sa phải lắp dựng thử, chỉnh sửa, tháo ra, đánh dấu, bó lại từng cấu kiện chở ra tầu hoả chuyển vào Sài gòn và Vũng Tầu... Vậy đánh dấu thế nào để khỏi lẫn lộn và giữ được bí mật?
Một thoáng suy nghĩ tôi quyết định.- Ở Tư Chính là DK1/1, Phúc Nguyên là DK1/2, Phúc Tần là DK1/3 và Ba Kè là DK1/4... Không ngờ phiên hiệu DK1/1..DK1/2... nối nhau nay đến DK1/20, DK1/21 đã được khai sinh từ ngày ấy, trở thành tên gọi đến bây giờ và mãi mãi sau này.
Để phối hợp với các chân đế, chỉ huy lắp dựng thượng tầng DK1/1 và DK1/2 ở Vũng Tàu do đ/c Lê Huy Huyễn và Ks Trần Văn Bá cùng Phó GĐ X49 Cao Văn Minh.
Ở Tân Cảng lắp dựng thượng tầng DK1/4 do Ks Trần Anh Tuấn, lắp dựng DK1/3 do D77 trực tiếp chỉ huy là D trưởng Mai Xuân Chiến và CTV Nguyễn Tiến Thành...
Viện Kỹ thuật cử TS Nguyễn Xuân Kiều cùng TS Phạm Ngọc Nam, KS Lê Trung Dũng vào giám sát thi công lắp dựng công trình...
Hết sức gọn nhẹ, giúp tôi điều hành chỉ huy chỉ có Trưởng phòng Nguyễn Thành Định và Trưởng ban Tài chính Nguyễn Gia Cát...
Chiều 6/5/1989 tại Văn phòng Chính phủ ở TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười chủ trì giao ban với các đơn vị. Tư lệnh Công Binh - Thiếu tướng Vũ Trọng Hà vừa đi Trường Sa về cùng tôi tham dự. Cuộc họp khá căng thẳng.
Sáng chủ nhật 7/5 anh Hà bị tai biến nặng phải cấp cứu... Cả ngày 8/5 Thượng tướng Đào Đình Luyện và Đô đốc Giáp Văn Cương đến kiểm tra công tác lắp dựng công trình tại Vũng Tầu và Tân Cảng, sau đó vào Viện 175 thăm anh Hà... Trăm công, ngàn việc đầu óc tôi căng như sợi dây đàn...
Ngày 1/6, Thủ trưởng Luyện bay vào, gọi tôi đến, ông nói: "Bộ Chính trị đã họp.. Tổng bí thư đã quyết định: Khẩn trương sớm đưa công trình ra biển lắp dựng... Được cả 3 thì tốt nếu không kịp thì 1 cái cũng được, đặc biệt ưu tiên ở Tư Chính. Tổng Bí thư gửi lời khen các cậu đấy!".
Như được tiếp thêm sức mạnh chúng tôi lao vào làm 3 ca liên tục. Quần quật ngoài trời dưới cái nắng 40-41 độ C, còn sàn thì nóng bỏng chân, nhưng đoàn quân kỹ thuật Công binh vẫn hừng hực khí thế lao động quên mình.
Và ngày ấy đã đến!... DK1/3 rồi DK1/4 liên kết với chân đế. Ngày 9/6/1989! Giờ G đã điểm! Lệnh hành quân hướng ra biển Đông xuất kích!
Từ Tân Cảng Sài gòn DK1/3, DK1/4 và sau đó từ Vũng Tàu DK1/1.. KS Lê Trung Dũng và KS Trần Văn Bá được cử đi theo giám sát thi công trên biển.
Ba công trình DK1 đầu tiên trở thành 3 tiền đồn cắm mốc chủ quyền của Tổ quốc ta trên 3 đảo chìm DK1 ở Tư Chính (4/7/1989) DK1/3 ở Phúc Tần và DK1/4 ở Ba Kè (14/6/1989) tạo thế chân kiềng trên 1 vùng biển rộng lớn của Tổ Quốc....
Cầm giấy giới thiệu của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng "Đại tá Nguyễn Quý - Đặc phái viên BQP - Cục trưởng Cục Kỹ thuật BTL Công Binh - Chỉ huy xây dựng phần thượng tầng công trình DK1..", 14h ngày 31/7/1989 tôi tới Lữ đoàn 171 Hải quân ở Vũng Tàu dự Hội nghị Tổng kết xây dựng công trình DK1 đợt đầu tiên do Phó chủ tịch HĐBT - Trưởng ban Chỉ đạo DK1 chủ trì.
Hội nghị có đông đủ Thủ trưởng các Bộ, Ban ngành TW tham dự. Ngoài Thượng tướng Đào Đình Luyện - Thứ trưởng BQP - Phó ban Chỉ đạo DK1, Quân đội chỉ có Đô đốc Giáp Văn Cương - Tư lệnh Hải quân và tôi được mời tham dự... Hội nghị đánh giá cao sự nỗ lực, sáng tạo của các đơn vị đã hoàn thành rất xuất sắc nhiệm vụ mà Bộ Chính trị và Chính phủ giao cho...
Tuy nhiên cũng đặt ra nhiều khó khăn thách thức không nhỏ. Từ thực tiễn thiết kế và thi công, tôi cũng tham gia đóng góp và kiến nghị:
"....Vì sự bền vững của công trình, ngoài việc cung cấp số liệu khí tượng hải văn chính xác, cần có bước khảo sát diện mạo mặt bằng đáy biển nơi dự kiến xây dựng công trình để chọn vị trí thuận lợi nhất, tiến hành khoan địa chất để thiết kế chân đế và cọc cho phù hợp...
Hiện nay ta đã lắp dựng được 3 công trình nhưng đã bộc lộ chân đế có nguy cơ không trụ vững nên cần có phương án gia cố, gia cường ngay...".
Cuối cùng tôi mạnh dạn đề nghị: "Hiểu về biển có lẽ không ai bằng Hải quân, nhất là Đô đốc - Tư lệnh Hải quân... DK1 lại do Hải quân quản lý, cán bộ chiến sĩ Hải quân trấn giữ nên tôi đề nghị bổ sung đ/c Tư lệnh Hải quân - Đô đốc Giáp Văn Cương vào Ban Chỉ đạo DK1...". Ý kiến của tôi được Ban chỉ đạo hoan nghênh tiếp thu đưa vào nghị quyết Hội nghị...
Rời phòng họp, Đô đốc vỗ vai tôi: "...Thế mà hôm nay cậu lại giới thiệu tớ vào Ban chỉ đạo !! Bây giờ muộn rồi cậu về đâu?".
Lữ trưởng 171 Phạm Xuân Hoa nhanh nhẩu: "Báo cáo Tư lệnh. 171 mời anh Quý ở lại chơi với chúng em, nhưng thú thực nhà em đang có nạn...rệp!".
Anh Cương gạt ngay: "Đã nóng há mồm, lại rệp thì xin vái Thủ trưởng... Thôi ta ra khách sạn một bữa". Thế là Đô đốc kéo tôi đi. Trong liền mấy ngày sau đó, Đô đốc mời tôi cùng dự bàn các phương án gia cố chân đế DK1/1.
Việc hệ trọng cần phải thay đổi cơ chế nên Chủ tịch HĐBT quyết định giao cho BQP chức năng quản lý Nhà nước (bên A) đối với công trình DK1 theo QĐ 363/CT ngày 18/12/1989...
Ngày 26/2/1990 theo điện triệu tập, Tư lệnh Công binh Nguyễn Hữu Yên và tôi lên Bộ họp. Nhiều ý kiến bàn đi tính lại cuối cùng toàn thể thống nhất tín nhiệm và Thủ trưởng quyết định: Giao BTL Công binh là Chủ đầu tư công trình DK1 và ngày 26/2/1990, Thủ trưởng BQP ra quyết định số 60/QĐ-QP thành lập Ban Xây dựng công trình DK1 và bổ nhiệm:
- Đại tá Nguyễn Quý - Cục trưởng Cục KTVTTB - Binh chủng Công binh làm Trưởng ban.
- Phó ban thường trực: Đại tá Vũ Quý Khôi - Phó Viện trưởng Viện KTCB.
- Phó ban: Đại tá Lê Văn Chừng - Trưởng phòng Quân chủng - Bộ Tổng Tham mưu và Trung tá Phan Năng Giả - Trưởng phòng Công Binh - BTL Hải quân.
Cả 4 chức danh này đều vẫn là kiêm nhiệm. Tư lệnh Công Binh quyết định Thiếu tá Nguyễn Thành Định làm Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính, Thiếu tá Nguyễn Quang Ánh làm Trưởng phòng Kỹ thuật.
Đồng thời Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước do Giáo sư Đặng Hữu - Chủ nhiệm Uỷ ban KHKT Nhà nước (sau là Bộ KHCN) làm chủ tịch... Bắt đầu từ đây, từ thiết kế, dự toán, sản xuất trên bờ, thi công trên biển, nghiệm thu, thanh quyết toán đều phải thông qua Hội đồng 3 cấp: cấp cơ sở (BTL Công Binh), cấp Bộ Quốc phòng và cấp Nhà nước.
Khi thi công trên biển Nhà nước ra quyết định cử tôi là Tổng chỉ huy các lực lượng thi công và bảo vệ công trình, cử 1 tổ lập đường dây nóng đi theo thường xuyên liên lạc về Trung tâm.
Khi hoàn thành công trình làm lễ thượng cờ tôi có trách nhiệm thay mặt Nhà nước động viên, giao nhiệm vụ cho cán bộ chiến sĩ quản lý công trình, bảo vệ vùng trời, vùng biển theo quy định...
Từ khi tham gia làm các công trình cho Trường Sa rồi DK1 từ DK1/1 đến DK1/16 liên tục 8-9 năm trời (1988-1996) với tôi xây dựng mỗi công trình là 1 trận chiến, mỗi năm là 1 chiến dịch nên không sao kể xiết, xin phép tạm dừng tại đây để nói về Tư Chính...
02.
Tư Chính - Một "quyết chiến điểm" trên Biển Đông
Như các đồng chí và các bạn đã biết, bãi ngầm Tư Chính rộng lớn (700km2) như chúng tôi khảo sát chiều dài tới 52km (có tài liệu nói 61km) chiều rộng 11km ( có chỗ phình ra hơn 20 km) lại ở vị trí chiến lược rất quan trọng, gần khu mỏ dầu chúng ta đang khai thác và cũng là nơi ta đã và đang thăm dò.
Ngày 6/10/1994 tôi và đoàn Thủ trưởng BQP do Thượng tướng Nguyễn Chơn dẫn đầu khi bay trực thăng ra thăm DK1/11 ở Tư Chính đã hạ cánh thăm giàn khoan Tam Đảo khi đã khoan tới 2.926m... Khi về đến Hà Nội anh Ngô Thường San - TGĐ Vietsopetro điện cho tôi báo tin mừng: "Có dầu rồi, anh Quý ơi!".
Nếu đối phương chiếm Tư Chính thì nó như con dao kề vào cổ khu mỏ dầu chúng ta, khống chế toàn bộ khu DK1. Vì thế nên ở Tư Chính phải xây dựng nhiều công trình mới được. Ta nghèo, thôi thì hãy cứ "chặn đầu, khoá đuôi" đã:
- Năm 1989: DK1/1 -Tư Chính 1(4/7/1989).
- Năm 1990: DK1/5- Tư Chính 2(3/11/1990).
Đến ngày 26/3/1994 khi đi thi công DK1/10 ở Cà Mâu về đến Vũng Tàu chưa lên bờ thì tôi nhận được điện khẩn của Tổng Tham mưu trưởng: "Đồng chí không về Hà Nội mà ở lại hợp đồng ngay với Vietsopetro và các B làm tiếp ngay 2 công trình ở Tư Chính theo dự kiến".
Khi về Bộ, anh Luyện mới cho tôi biết là "'Họ' đã định đưa giàn khoan vào Tư Chính. Ta đã chủ trương "Quyết chiến!", nên chắc "họ" đánh hơi thấy đi nửa đường đành quay đầu... Nhưng chưa phải "họ" đã từ bỏ dã tâm đâu nên ta phải xây dựng để giữ cho kín."
Điều này thì chúng tôi đã gặp, và đối mặt với " họ" trên biển nhiều lần rồi:
- DK1/11-Tư Chính 3 (6/8/1994).
- DK1/12-Tư Chính 4 (9/8/1994).
- DK1/14-Tư Chính 5 (20/4/1995).
Theo thiết kế các công trình DK1 thế hệ đầu quy định có tuổi thọ là 25 năm nên mấy năm nay một loạt công trình thế hệ mới được xây dựng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, vững chãi hơn nối liền với các DK1 cũ.
03.
Mong dư luận, truyền thông hiểu đúng, viết đúng về DK1
Cách đây đã 30 năm, ngay từ đầu Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định toàn bộ vùng DK1 trong đó có Tư Chính là thuộc chủ quyền của nước ta, cũng không dính dáng gì đến Trường Sa mà Trung Quốc muốn biến thành vùng "có tranh chấp " để sau này đòi "ăn chia".
Ý thức vấn đề này, sau khi nghiệm thu DK1/2, tôi báo cáo và được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước chấp thuận:
1. Ghi rõ công trình xây dựng trên bãi đá ngầm tên Việt Nam là Tư Chính, Phúc Tần, Phúc Nguyên, Huyền Trân, Quế Đường, Ba Kè... Trên một bãi sẽ có nhiều công trình nên thêm số thứ tự như Tư Chính 1, 2, 3, 4, 5,...
2. Trường Sa là thuộc tỉnh Khánh Hoà vậy đối chiếu về địa lý thì các DK1 thuộc tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Từ đó trên tất cả các công trình DK1 đều sơn Quốc kỳ và hàng chữ:
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Trạm dịch vụ KT-KHKT Tư Chính...
Vì vậy tôi đề nghị trên mạng xã hội và truyền thông lưu ý tránh sai sót.
---
30 năm qua hầu hết các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội chủ trì những năm đầu xây dựng công trình DK1 đã qua đời... Là 1 người may mắn chứng kiến khá tường tận, đầy đủ tôi thấy lãnh đạo của chúng ta rất sáng suốt, quyết đoán, xử lý các tình huống rất linh hoạt, mềm dẻo, rất thành công...
Chỉ có điều từ đầu chúng tôi được phổ biến là "tuyệt đối bí mật, bất ngờ" nên cứ lặng lẽ làm không nói, không tuyên truyền khoa trương.
Mấy năm gần đây ta mới công khai nhưng lại có những ý kiến không đúng, nên tôi phải lên tiếng...
Là người gắn bó 7-8 năm với công trình, đã từng nhiều lần vật lộn với bão giông khủng khiếp nên thực lòng chúng tôi rất thương cán bộ chiến sĩ trấn giữ trên công trình nhiều năm, thiếu thốn tình cảm, nước ngọt, rau xanh, căng thẳng khi kẻ thù lăm le gây chiến...
Vì thế ai, tổ chức nào quan tâm, ủng hộ, hỗ trợ để cuộc sống anh em khá hơn, tôi và anh em rất hoan nghênh và biết ơn...
Nhưng cũng có bài báo nói không đúng, rằng anh em làm nhiệm vụ ngoài đó quá khổ sở dẫn tới hiểu lầm về sự quan tâm của các cấp lãnh đạo. Vì vậy tôi thấy cần công khai, minh bạch để mọi người hiểu đúng sự thật...
* Về nước ngọt: Trên công trình đã bố trí 1 bể dung tích hàng chục m3. Khi thi công xong, tàu dịch vụ đã bơm nước ngọt đầy bể. Có hệ thống ống dẫn nước mưa từ mái vào bể nước...
* Về thắp sáng: Ngay từ đầu đã trang bị máy phát điện cùng 1 bể xăng dầu để thắp sáng và dự phòng cấp cho trực thăng ở công trình mái là sân bay. Đến 1993 lắp hệ pin mặt trời, nhưng lượng dầu vẫn cấp đủ.
* Về thông tin văn hoá: Lúc đầu ở xa không bắt được tín hiệu đã trang bị tủ sách, 1 radio cassette cùng một số băng đĩa ca nhạc. Đến 1993 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Đức Lương, đã lắp đặt hệ Ăng-ten Parabol + Tivi đã bắt được các kênh VTV và Thể thao quốc tế. Sau khi nghiệm thu tốt, tôi đã cho cáp níu chặt rổ Ăng-ten để an toàn sử dụng lâu bền...
* Về an toàn phòng sự cố: Đã trang bị đầy đủ phao cá nhân, phao bè, phao cứu sinh theo tiêu chuẩn quốc tế.
* Năm 1993 được trang bị Radar Furuno có tầm hoạt động lớn giúp cho bộ đội có tầm cảnh giới xa hơn, bao quát hơn. Đồng thời theo thông lệ Quốc tế đã lắp đèn báo vật cản (hải đăng) để tàu bè qua lại ban đêm không va quệt vào công trình...
Sau khi công khai, hàng năm nhiều đoàn ra thăm đã động viên, ủng hộ tạo điều kiện sinh hoạt ngày càng khá hơn...
---
Bài đã dài, nhưng vẫn thiếu sót nếu dịp này tôi không gửi lời chân thành cảm ơn đến các đơn vị, cá nhân đã giúp tôi và Ban DK1 hoàn thành nhiệm vụ. 30 năm! Đã 6 đời Trưởng ban DK1, năm nay đã có đ/c Trưởng ban thứ 7.
Cho dù kể đến cả trang cũng vẫn thiếu sót nên thay mặt anh chị em Ban DK1, tôi chân thành cảm ơn tất cả những người đã từng góp công sức, trí tuệ để làm nên những công trình đặc biệt này.
Thế hệ trước đã khai trương mở lối, chúng tôi hy vọng và tin tưởng thế hệ ngày nay và mai sau sẽ bảo vệ, tôn tạo để các DK1 sẽ mãi mãi trường tồn với Tổ Quốc Việt Nam.
Nhận xét
Đăng nhận xét