Không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong xử lý vi phạm
“Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”
Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (tháng 2/2013) đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, là dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận; góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
![khamxet1-8328-1617350523.jpg -0](https://img.cand.com.vn/resize/800x800/NewFiles/Images/2022/06/24/khamxet1_8328_1617350523-1656025777038.jpg)
Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế liên quan đến đất đai đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực được cho là “vùng cấm, nhạy cảm” đã được tập trung chỉ đạo điều tra, làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi; xử lý nghiêm minh, công khai, kể cả cán bộ cao cấp, đương chức hay nghỉ hưu. Cùng với đó, hàng chục nghìn tỷ đồng được thu hồi cho Nhà nước.
Phát biểu kết luận Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả rõ rệt, có mặt cao hơn năm trước; khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, không vì chống dịch mà “chùng xuống, không xử lý” của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, củng cố thêm niềm tin của nhân dân.
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm 2020). Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi 81.290 tỷ đồng và 811ha đất…
Công tác điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục được đẩy mạnh; xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai". Các cơ quan chức năng đã phối hợp chặt chẽ, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xác minh, xử lý các vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng, tiêu cực thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Trong năm 2021, cả nước đã khởi tố, điều tra 390 vụ án/1.011 bị can về các tội tham nhũng, lợi dụng chức vụ. Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, từ sau Phiên họp thứ 19 đến nay, đã khởi tố 10 vụ án/40 bị can; kết thúc điều tra 15 vụ án/150 bị can; truy tố 16 vụ án/164 bị can; xét xử sơ thẩm 21 vụ án/179 bị cáo, xét xử phúc thẩm 13 vụ án/74 bị cáo.
Với vai trò là lực lượng chủ công trên lĩnh vực đấu tranh với tội phạm kinh tế, đất đai, lực lượng Công an đã triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ tăng cường nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh quyết liệt. Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, đạt được những kết quả rõ nét, được coi là điểm sáng trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian gần đây.
Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, được nhân dân hoan nghênh, đồng tình ủng hộ. Những kết quả trên lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng, đất đai đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đóng góp tích cực, hiệu quả vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đối ngoại của đất nước.
Triệt phá thành công nhiều chuyên án, vụ án phức tạp về tham nhũng
Trong bài viết nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Truyền thống lực lượng Cảnh sát kinh tế (10/8/1956-10/8/2021), Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định: Những năm gần đây, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an; lực lượng Cảnh sát kinh tế đã không ngừng đổi mới các mặt công tác, sắp xếp, kiện toàn tổ chức và triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều cách làm mới, bài bản, cụ thể, thiết thực.
Nổi bật là đổi mới tư duy về phòng, chống tội phạm theo hướng “Tích cực phòng ngừa, chủ động tấn công, trong đó lấy phòng ngừa giữ vững bên trong là chính”; triển khai quyết liệt, toàn diện và xuyên suốt trên 19 lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Qua đó, đã chủ động nắm chắc tình hình, xác định được “mắt xích”, điểm “đột phá” trong các lĩnh vực biểu hiện nhiều sai phạm, kịp thời phát hiện, xác lập, đấu tranh, triệt phá thành công nhiều chuyên án, vụ án, đường dây, tổ chức tội phạm lớn, phức tạp về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.
Chỉ riêng từ năm 2018 đến tháng 6/2021, toàn lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện, khởi tố, điều tra 11.822 vụ án/14.562 bị can phạm tội về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; kết luận điều tra đề nghị Viện Kiểm sát truy tố 7.880 vụ/14.179 bị can; kê biên, thu hồi số lượng lớn tài sản, tỷ lệ tài sản thu hồi so với thiệt hại xảy ra ngày càng được nâng lên.
Đặc biệt, đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo luôn đảm bảo tiến độ, xử lý nghiêm minh, được Đảng, Nhà nước đánh giá cao và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Điển hình như: Vụ án tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, TP Hồ Chí Minh gây thất thoát hơn 725 tỷ đồng; vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền tại Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba với gần 4.000 bị hại.
Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dândiễn ra ngày 29/5/2022 ở Sơn La, nhiều đại biểu phản ánh giá đất sốt ảo, thị trường bất động sản tăng trưởng nóng, trong đó có đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, gây mất an ninh trật tự ở nhiều địa phương. Đặc biệt, các đại biểu cảnh báo tình trạng giá đất tăng nóng dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt cho sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương.
Được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao trả lời vấn đề này, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã thông tin về công tác đấu tranh phòng ngừa vi phạm đất đai khẳng định: Thời gian qua, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, diễn biến phức tạp trên cả nước, phổ biến là các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, cấp phép, nổi lên ở trình trạng phân lô, bán nền trái phép với đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp, tập trung ở các tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cũng nhấn mạnh, thực trạng giá đất tăng nóng gây nên nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư, người mua đất, cản trở các nhà đầu tư, ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội. Qua tìm hiểu, Bộ Công an thấy nổi lên mấy thủ đoạn chính gồm: Chủ đầu tư tự ý xây dựng, ký hợp đồng chuyển nhượng, thu tiền khách hàng khi dự án chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý; sử dụng công ty con thu gom đất nông nghiệp, lâm nghiệp ở địa bàn có biểu hiện sốt đất, tự ý xây dựng hạ tầng, sau đó phân lô bán nền trái pháp luật, đặc biệt là mua bán trên các sàn thương mại trái phép, gây hậu quả nghiêm trọng.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng dẫn chứng, mấy năm trước, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Công an địa phương phá vụ án liên quan tới Công ty CP Alibaba. Công ty này tự vẽ 42 dự án với 620ha không có thật, chiếm đoạt 2.500 tỷ đồng. Đây là vụ án lớn mà sau khi phá được đã trở thành bài học, lời cảnh báo đối với các nhà đầu tư bất động sản.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Hùng, nguyên nhân của thực trạng giá đất tăng nóng là do sự thiếu hiểu biết của người dân, các đối tượng đã đánh vào tâm lý hám lợi của người mua để thực hiện các hành vi lừa đảo. Về các giải pháp, Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ trực tiếp chỉ đạo các cấp ngành thường xuyên cập nhật các thủ đoạn của các loại tộc phạm, đặc biệt là tội phạm hoạt động dạng "xã hội đen", các nhóm giang hồ cát cứ liên kết với nhau vẽ ra các dự án không có thật để lừa đảo người dân. Chỉ đạo Công an các địa phương tham mưu cho chính quyền các cấp giải quyết ngay từ đầu, từ sớm, từ xa, hạn chế các vụ khiếu kiện, tập trung đông người về đất đai.
Tăng cường chống tội phạm tham nhũng, đất đai
Trả lời báo chí về công cuộc đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, tại họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 2/12/2021, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an khẳng định, lực lượng Công an nhân dân thực hiện theo phương châm “Quyết tâm, quyết liệt, chủ động, thường xuyên, liên tục”.
Tất cả các vụ việc tiêu cực được xử lý theo quan điểm là thượng tôn pháp luật, đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm và không oan sai, không có vùng cấm, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, rõ đến đâu thì xử lý đến đấy. Thời gian gần đây, hàng loạt lãnh đạo ở các tỉnh thành trên cả nước như Khánh Hòa, Bình Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai… đã bị kỷ luật, khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan đến sai phạm đất đai, gây thất thoát hàng nghìn tỷ cho ngân sách Nhà nước.
Đầu tháng 1/2022, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai và nhiều cán bộ phụ trách đất đai ở Đồng Nai đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến sai phạm ở dự án Khu dân cư Phước Thái ở phường Tam Phước, TP. Biên Hòa. Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Lê Viết Hưng (65 tuổi, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai) để điều tra hành vi “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”.
Cùng hành vi trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra còn khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Tấn Tài, nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Biên Hòa và ông Võ Cao Cường, Chủ tịch UBND phường Tam Phước, TP. Biên Hòa. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh cũng thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Đức, nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Tam Phước; Nguyễn Anh Thương, Vũ Văn Huy, cán bộ công chức địa chính phường Tam Phước. Ông Lê Viết Hưng được xác định trong thời gian làm Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai đã có vi phạm về việc xác định các nguồn gốc đất theo thẩm quyền, trong đó có nhiều dự án liên quan đến đất công không qua đấu giá làm thất thoát tài sản Nhà nước.
“Công an các đơn vị, địa phương chủ động triển khai thực hiện các kế hoạch của Bộ, tập trung các mệnh lệnh công tác, gắn trách nhiệm của Thủ trưởng Công an các đơn vị địa phương vào triển khai các chỉ đạo của Bộ. Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Tăng cường đấu tranh với các loại tội phạm lợi dụng dịch bệnh, các chính sách phục hồi kinh tế - xã hội và bối cảnh xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh khó khăn để hoạt động đầu cơ, tạo khan hiếm các loại hàng hóa nhằm đẩy giá cả lên cao để trục lợi. Nắm chắc tình hình thị trường bất động sản, ngăn chặn các vi phạm, không để hình thành “bong bóng” bất động sản” – Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo những nhiệm vụ công tác trọng tâm quý II/2022 của lực lượng Công an ngày 24/3/2022.
Chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung và đấu tranh với tội phạm tham nhũng, trục lợi đất đai nói riêng lại được chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả như thời gian vừa qua; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, trong đó phải kể đến những đóng góp quan trọng của lực lượng CAND.
Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế", được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận.
Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành, tuyệt đại đa số ý kiến người dân bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch đều trở nên trơ trẽn, nực cười. Đó là thành công lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng của chúng ta.
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét